Đi đến nội dung

GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH

Châm ngôn 16:3—“Hãy giao phó công việc mình cho CHÚA”

Châm ngôn 16:3—“Hãy giao phó công việc mình cho CHÚA”

 “Hãy phó mọi việc mình cho Đức Giê-hô-va, thì các kế hoạch mình ắt sẽ được thành công”.—Châm ngôn 16:3, Bản dịch Thế Giới Mới.

 “Hãy giao phó công việc mình cho CHÚA thì kế hoạch con sẽ thành tựu”.—Châm ngôn 16:3, Bản Dịch Mới.

Ý nghĩa của Châm ngôn 16:3

 Câu châm ngôn này đảm bảo với những người thờ phượng Đức Chúa Trời rằng kế hoạch của họ sẽ thành công nếu họ đặt lòng tin cậy nơi ngài. Họ có thể làm thế qua việc tìm kiếm và làm theo sự hướng dẫn của ngài.

 “Hãy phó mọi việc mình cho Đức Giê-hô-va”. Khi đứng trước một quyết định, những người thờ phượng Đức Giê-hô-va a sẽ khiêm nhường hướng đến ngài để được hướng dẫn (Gia-cơ 1:5). Tại sao? Một lý do là vì con người thường không thể kiểm soát những biến cố ảnh hưởng đến đời sống mình (Truyền đạo 9:11; Gia-cơ 4:13-15). Ngoài ra, họ có thể thiếu sự khôn ngoan để thực hiện kế hoạch của mình. Vì những lý do này, nhiều người khôn ngoan phó kế hoạch mình cho Đức Chúa Trời. Họ làm thế bằng cách cầu nguyện với ngài để xin sự hướng dẫn và hành động phù hợp với ý muốn ngài được tiết lộ trong Lời ngài là Kinh Thánh.​—Châm ngôn 3:5, 6; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17.

 Câu “hãy giao phó công việc mình cho CHÚA” b có nghĩa đen là “lăn công việc mình cho CHÚA”. Theo một tài liệu tham khảo, cách diễn đạt này nói đến “một người chuyển gánh nặng đang mang ở trên lưng sang lưng của người khỏe hơn và có khả năng mang gánh đó tốt hơn mình”. Những ai khiêm nhường nương cậy nơi Đức Chúa Trời có thể tin chắc rằng ngài sẽ trợ giúp và nâng đỡ họ.​—Thi thiên 37:5; 55:22.

 Cụm từ “mọi việc mình” không có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ chấp thuận hoặc ban phước cho mọi kế hoạch của một người. Để được Đức Giê-hô-va ban phước, kế hoạch của chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn và ý muốn của ngài (Thi thiên 127:1; 1 Giăng 5:14). Đức Chúa Trời không ban phước cho sự bất tuân. Thực tế, ngài còn “phá hỏng ý đồ kẻ ác” (Thi thiên 146:9). Nhưng đồng thời, ngài hỗ trợ những người cho thấy họ vâng phục ngài bằng cách tôn trọng tiêu chuẩn của ngài được ghi lại trong Kinh Thánh.​—Thi thiên 37:23.

 “Thì các kế hoạch mình ắt sẽ được thành công”. Một số bản dịch đã dịch câu này là “các kế hoạch mình sẽ được lập vững”. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (thường được gọi là Cựu ước), từ được dịch là “lập vững” gợi lên ý tưởng về việc đặt một nền tảng, và thường nói đến sự vững bền của công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời (Châm ngôn 3:19; Giê-rê-mi 10:12). Đức Chúa Trời cũng sẽ lập vững các kế hoạch của những người làm điều đúng trước mắt ngài, giúp họ có đời sống ổn định, an toàn và hạnh phúc hơn.—Thi thiên 20:4; Châm ngôn 12:3.

Văn cảnh của Châm ngôn 16:3

 Câu châm ngôn này được viết bởi vua Sa-lô-môn, người đã sáng tác phần lớn sách Châm ngôn. Ông có thể nói hàng ngàn câu châm ngôn nhờ có sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời.​—1 Các vua 4:29, 32; 10:23, 24.

 Nơi chương 16, Sa-lô-môn mở đầu bằng cách ngợi khen sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và cho thấy ngài ghét tính kiêu ngạo (Châm ngôn 16:1-5). Rồi chương này giúp người đọc đi đến kết luận quan trọng, và cũng là chủ đề được lặp lại nhiều lần trong sách Châm ngôn: Con người chỉ có thể có sự khôn ngoan và thành công nếu khiêm nhường và để Đức Chúa Trời hướng dẫn các bước của mình (Châm ngôn 16:3, 6-8, 18-23). Sự thật căn bản này được lặp lại nhiều lần trong Kinh Thánh.​—Thi thiên 1:1-3; Ê-sai 26:3; Giê-rê-mi 17:7, 8; 1 Giăng 3:22.

 Hãy xem video ngắn này để biết khái quát về sách Châm ngôn.

a Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời (Thi thiên 83:18). Xin xem bài “Đức Giê-hô-va là ai?”.

b Một số bản dịch Kinh Thánh dùng từ “CHÚA” (viết hoa) để thay thế cho danh của Đức Chúa Trời. Để biết tại sao điều này có thể gây bối rối cho độc giả, xin xem bài “Ê-sai 42:8—‘Ta là CHÚA’” trong loạt bài này.