Đi đến nội dung

Họ tình nguyện đến—Guyana

Họ tình nguyện đến—Guyana

 “Không lời nào diễn tả hết niềm vui của việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn!” Đó là nhận xét của anh Joshua, người sống ở Hoa Kỳ nhưng phụng sự một thời gian ở Guyana. Nhiều Nhân Chứng phụng sự ở nước Nam Mỹ đầy màu mỡ ấy có cùng cảm nghĩ với anh Joshua. a Chúng ta rút ra các bài học thực tế nào từ những anh chị này? Nếu anh chị có ước muốn phụng sự ở nước ngoài, những bài học ấy trang bị cho anh chị ra sao?

Điều gì thôi thúc họ?

Anh Linel

 Trước khi chuyển đến Guyana, một anh tên Linel đã rao giảng trong khu vực có ít người công bố ở quê nhà là Hoa Kỳ. Anh nói: “Nhóm chúng tôi gồm 20 người được chỉ định đến một vùng nông thôn thuộc West Virginia. Hai tuần rao giảng và kết hợp với anh em ở đó đã thay đổi cuộc đời tôi! Tôi gia tăng lòng quyết tâm để phụng sự Đức Giê-hô-va càng nhiều càng tốt”.

Chị Erica và anh Garth

 Một cặp vợ chồng là anh Garth và chị Erica bắt đầu nghĩ nghiêm túc về việc phụng sự ở nước ngoài, và họ đã chọn Guyana. Tại sao? Chị Erica giải thích: “Chúng tôi quen một cặp vợ chồng đã chuyển đến đó. Nhiệt huyết và tình yêu thương của họ đối với công việc họ đang làm thúc đẩy chúng tôi cũng muốn chuyển đến đó”. Chị Erica và anh Garth có ba năm phụng sự đầy hạnh phúc ở đó, và họ miêu tả đó là “nhiệm sở khó quên”. Anh Garth nói: “Chúng tôi đã nếm thử việc phụng sự ở nước ngoài và thấy thật tuyệt vời!”. Sau này vợ chồng anh được mời học trường Ga-la-át và hiện đang phụng sự ở Bolivia.

Các anh chị phụng sự ở nước ngoài thường có những cuộc thảo luận Kinh Thánh hữu hiệu

Họ chuẩn bị như thế nào?

 Các nguyên tắc Kinh Thánh khuyến khích chúng ta giữ đời sống đơn giản (Hê-bơ-rơ 13:5). Chúng ta cũng được khuyến khích để tính phí tổn trước khi thực hiện thay đổi lớn trong đời sống (Lu-ca 14:26-33). Chắc chắn, điều đó bao gồm quyết định chuyển ra nước ngoài phụng sự. Anh Garth viết: “Trước khi chuyển đến Guyana, tôi và Erica phải đơn giản hóa đời sống. Điều đó bao gồm việc bán cơ sở kinh doanh, nhà cửa và tất cả những thứ không cần thiết được cất giữ. Việc đó kéo dài vài năm. Trong thời gian ấy, chúng tôi duy trì ước muốn đến Guyana bằng cách tiếp tục nghĩ tới mục tiêu ấy và mỗi năm đến đó du lịch”.

Chị Sinead và anh Paul

 Một yếu tố khác cũng cần xem xét là thu nhập. Nhiều anh chị có thể làm việc ở nước mà họ chuyển đến phụng sự nếu luật pháp của nước đó cho phép. Một số anh chị vẫn giữ công việc mà họ làm ở quê nhà bằng cách dùng máy tính để làm việc từ xa. Một số anh chị khác thì về nước làm việc trong một thời gian rồi trở lại. Một cặp vợ chồng là anh Paul và chị Sinead trở về Ai-len mỗi năm một lần để làm việc. Nhờ việc đi đi về về như thế, họ có thể phụng sự ở Guyana 18 năm đầy ân phước, trong đó có bảy năm sau khi sinh con gái.

Anh Christopher và chị Lorissa

 Thi thiên 37:5 khuyên: “Hãy phó thác đường mình cho Đức Giê-hô-va; hãy nương cậy nơi ngài, rồi ngài sẽ ra tay”. Anh Christopher và chị Lorissa từ Hoa Kỳ đã thường xuyên cầu nguyện về mục tiêu phụng sự ở nước ngoài. Hơn nữa, trong buổi thờ phượng của gia đình, họ cân nhắc xem phải làm gì để đạt được mục tiêu đó, họ liệt kê cả mặt lợi và hại nếu chuyển đi. Vì ngôn ngữ là vấn đề lớn đối với họ nên họ đã chọn Guyana, nơi mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính.

 Sau đó, họ làm theo nguyên tắc nơi Châm ngôn 15:22: “Đâu không có bàn bạc, đó kế hoạch thất bại; đâu có nhiều cố vấn, đó có được thành công”. Họ viết thư cho văn phòng chi nhánh coi sóc công việc ở Guyana, b cho biết tình thần sẵn sàng và lai lịch của họ. Họ cũng hỏi về các dịch vụ y tế, khí hậu và phong tục ở Guyana. Chi nhánh đã giải đáp những câu hỏi của họ và giúp họ liên lạc với một hội đồng trưởng lão ở nơi mà họ sẽ chuyển đến.

 Anh Linel, được đề cập ở trên, hiện đang làm giám thị lưu động ở Guyana. Trước khi chuyển đến đó, anh cũng áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 15:22. Anh chia sẻ: “Ngoài việc tiết kiệm tiền cho chuyến đi, tôi tham khảo ý kiến của những anh chị từng phụng sự ở nước ngoài. Tôi nói mục tiêu này với gia đình, các trưởng lão trong hội thánh và giám thị vòng quanh. Tôi đọc mọi thông tin tìm được trong ấn phẩm về việc phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn”.

Anh Joseph và chị Christina

 Nhiều anh chị muốn phụng sự ở nước ngoài đã quyết định khôn ngoan là đến đó thăm trước. Một cặp vợ chồng là anh Joseph và chị Christina chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Guyana, chúng tôi ở đó ba tháng. Quãng thời gian ấy đủ cho chúng tôi thấy cuộc sống ở đó như thế nào. Rồi chúng tôi về nhà, thu xếp mọi việc và chuyển đến đó”.

Họ điều chỉnh như thế nào?

Anh Joshua

 Để phụng sự Đức Chúa Trời thành công ở nước ngoài, hẳn những anh chị ấy đã có tinh thần hy sinh và sẵn sàng điều chỉnh theo hoàn cảnh và phong tục địa phương. Chẳng hạn, các anh chị từ xứ lạnh chuyển đến các nước nhiệt đới thường thấy có đủ loại côn trùng ở nhiệm sở mới. Anh Joshua được đề cập ở trên chia sẻ: “Trước đây tôi không biết đến nhiều loại côn trùng như thế. Tôi thấy ở Guyana con côn trùng nào cũng lớn hơn ở nước mình! Nhưng với thời gian tôi dần quen với chúng. Tôi cũng thấy việc giữ nhà cửa sạch sẽ giúp giảm thiểu côn trùng, chẳng hạn như rửa chén bát, bỏ rác và thường xuyên lau dọn nhà cửa”.

 Việc thích nghi với đời sống ở nước khác có thể cũng bao gồm việc làm quen với các món ăn lạ và học cách chế biến những món ấy. Anh Joshua kể: “Tôi và bạn cùng phòng xin các anh chị chỉ cách nấu ăn bằng gia vị địa phương. Khi đã biết cách chế biến món mới, chúng tôi mời một số anh chị trong hội thánh đến dùng bữa chung. Đây cũng là cách hay để biết về các anh chị và xây dựng tình bạn với họ”.

Anh Paul và chị Kathleen

 Về phong tục địa phương, anh Paul và chị Kathleen kể: “Việc cần thích nghi với cách xã giao và ăn mặc phù hợp ở một nước nhiệt đới là điều mà trước đây chúng tôi chưa từng trải nghiệm. Vì thế, chúng tôi phải khiêm nhường và thay đổi, miễn là không trái với nguyên tắc Kinh Thánh. Khi thích nghi với văn hóa địa phương, chúng tôi gần gũi hơn với hội thánh và có kết quả tốt hơn trong thánh chức”.

Họ nhận được những lợi ích nào?

 Anh Joseph và chị Christina nói thay cho nhiều anh chị: “Ân phước mà chúng tôi nhận được vượt xa những khó khăn thử thách gặp phải. Việc ra khỏi môi trường thoải mái và quen thuộc giúp chúng tôi điều chỉnh thứ tự ưu tiên. Những điều chúng tôi từng xem là rất quan trọng giờ đây chỉ là thứ yếu. Sau mỗi trải nghiệm, chúng tôi được thôi thúc để tiếp tục làm hết sức cho Đức Giê-hô-va. Chúng tôi thấy rất thỏa lòng và mãn nguyện”.

 Chị Erica, được đề cập ở trên, nói: “Phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn giúp vợ chồng tôi hiểu rõ hơn việc đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va có nghĩa gì. Chúng tôi thấy được bàn tay trợ giúp của ngài theo những cách mà trước đây mình chưa từng cảm nghiệm. Khi chia sẻ với nhau những trải nghiệm mới, vợ chồng tôi gần gũi nhau hơn”.

a Để biết về lịch sử của công việc ở Guyana, xin xem Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2005 (Anh ngữ).

b Chi nhánh Trinidad và Tobago coi sóc công việc ở đó.