Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy bảo vệ mình khỏi thông tin sai lệch

Hãy bảo vệ mình khỏi thông tin sai lệch

 Ngày nay, chúng ta có thể tiếp cận với thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết, bao gồm cả những thông tin hữu ích giúp mình an toàn và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, khi tra cứu thông tin, chúng ta cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch như:

 Chẳng hạn, trong đại dịch COVID-19, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã cảnh báo về một “dịch bệnh” nguy hiểm khác, đó là thông tin sai lệch. Ông cho biết: “Những lời khuyên có hại về sức khỏe cũng như những phương pháp điều trị lừa đảo ngày càng nhiều. Có rất nhiều lời dối trá trên ti-vi và radio, những thuyết âm mưu hoang đường lan tràn trên Internet. Những hành động thù ghét và thành kiến nhắm vào cá nhân và nhóm người khác nhau ngày càng phổ biến”.

 Dù thông tin sai lệch đã có từ xưa, nhưng Kinh Thánh báo trước rằng vào thời kỳ chúng ta, “những kẻ gian ác và kẻ giả mạo [sẽ] ngày càng tồi tệ, lừa dối người khác và chính mình cũng bị lừa” (2 Ti-mô-thê 3:1, 13). Ngoài ra, Internet cho phép chúng ta nhận và vô tình lan truyền thông tin sai lệch nhanh và dễ dàng hơn bao giờ hết. Hậu quả là những thông tin sai lệch và nửa sự thật tràn ngập trên e-mail, mạng xã hội và những bài đăng mới nhất.

 Làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi thông tin sai lệch và những thuyết âm mưu? Hãy xem một số nguyên tắc Kinh Thánh hữu ích.

  •   Đừng tin mọi điều bạn thấy và nghe

     Điều Kinh Thánh nói: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi lời, người khôn khéo cân nhắc từng bước”.​—Châm ngôn 14:15.

     Nếu không cẩn thận, chúng ta rất dễ bị lừa. Chẳng hạn, hãy xem những hình ảnh với lời mô tả hoặc những video ngắn được lan truyền rộng rãi trên Internet, đặc biệt là mạng xã hội. Những hình ảnh và video như thế thường được gọi là meme và mang tính hài hước. Tuy nhiên, hình ảnh và video ngắn có thể dễ dàng bị thêm bớt hoặc lấy ra khỏi văn cảnh. Thậm chí, người ta có thể làm ra video về những nhân vật có thật, nói hoặc làm những điều mà thực tế không có như vậy.

     “Các nhà nghiên cứu thấy rằng hầu hết những thông tin sai lệch xuất hiện trên mạng xã hội chứa những hình ảnh và video bị lấy ra khỏi văn cảnh, giống như meme”.—Công ty Axios Media.

     Hãy tự hỏi: “Thông tin này có đáng tin cậy không hay chỉ là một meme?”.

  •   Xem xét nguồn và nội dung của thông tin

     Điều Kinh Thánh nói: “Hãy xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không”.​—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21.

     Trước khi tin hoặc gửi đi một mẩu tin nào đó, cho dù nó rất phổ biến và được lặp đi lặp lại trên tin tức, thì hãy đảm bảo rằng tin đó là có thật. Bằng cách nào?

     Xem xét độ đáng tin cậy của nguồn thông tin. Các công ty báo chí và truyền thông cũng như những tổ chức khác có thể đăng một tin theo cách để thu lợi nhuận hoặc ủng hộ một quan điểm chính trị nào đó. Vì thế, hãy đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Đôi khi bạn bè có thể vô tình gửi cho chúng ta một thông tin sai lệch qua e-mail hoặc mạng xã hội. Vì vậy, đừng tin một thông tin nào đó nếu chưa xác định được nguồn của nó.

     Hãy đảm bảo rằng thông tin có nội dung mới nhất và chính xác bằng cách kiểm tra ngày đăng, tính xác thực và bằng chứng hỗ trợ cho thông tin đó. Hãy cảnh giác trước những tin giật gân, gây cảm xúc mạnh, hoặc tin tối giản hóa.

     “Ngày nay, việc kiểm chứng thông tin quan trọng chẳng kém gì việc rửa tay”.—Ông Sridhar Dharmapuri, viên chức cấp cao về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng của Liên Hợp Quốc.

     Hãy tự hỏi: “Mẩu tin này có phải là sự thật không hay chỉ là quan điểm cá nhân hoặc ý kiến từ một phía?”.

  •   Có cái nhìn khách quan thay vì dựa trên sở thích cá nhân

     Điều Kinh Thánh nói: “Người nào tin cậy lòng mình là ngu muội”.​—Châm ngôn 28:26.

     Chúng ta thường có khuynh hướng tin vào điều mà mình muốn tin. Các công ty Internet thường dựa trên lịch sử tìm kiếm và sở thích của chúng ta để đăng bài và hình ảnh. Tuy nhiên, những điều mình thích không nhất thiết là những điều mình cần nghe.

     “Con người thường có khả năng suy nghĩ và lý luận. Nhưng cảm xúc, ước muốn, kỳ vọng, sự sợ hãi và động lực có thể khiến cho suy nghĩ của chúng ta lệch lạc và khiến mình tin vào những điều mà mình muốn tin”.—Ông Peter Ditto, nhà tâm lý học xã hội.

     Hãy tự hỏi: “Mình có tin điều này chỉ vì đó là điều mình thích không”.

  •   Đừng lan truyền thông tin sai lệch nữa

     Điều Kinh Thánh nói: “Ngươi không được tung tin thất thiệt”.​—Xuất Ai Cập 23:1.

     Thông tin có ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Vì thế, cho dù vô tình lan truyền thông tin sai lệch thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng.

     “Điều tối quan trọng là đừng vội vàng, hãy dừng lại và tự hỏi: ‘Thông tin này có đáng tin cậy đến mức mình muốn gửi cho người khác không?’. Nếu ai cũng làm như vậy thì lượng thông tin giả trên mạng sẽ giảm đi đáng kể”.—Ông Peter Adams, phó giám đốc cấp cao của News Literacy Project.

     Hãy tự hỏi: “Mình có biết chắc thông tin mình chia sẻ là chính xác không?”.