Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

XÂY ĐẮP TỔ ẤM | DẠY CON

Làm sao đối phó với cơn cáu giận?

Làm sao đối phó với cơn cáu giận?

THÁCH THỨC

Khi bực bội, đứa con hai tuổi của bạn bắt đầu tuôn ra một tràng gào thét, giậm chân, đánh túi bụi. Bạn tự hỏi: “Con mình có bình thường không? Mình có làm gì sai khiến nó cáu giận không? Có bao giờ nó sẽ không làm thế nữa?”.

Bạn có thể giúp được đứa con hai tuổi thay đổi cách cư xử. Tuy nhiên, trước tiên hãy xem điều gì có lẽ gây ra vấn đề này.

TẠI SAO?

Con trẻ chưa biết cách đối phó cảm xúc của mình. Chỉ riêng yếu tố này cũng có thể khiến trẻ đôi khi “làm trận làm thượng” với cha mẹ. Nhưng còn thêm lý do khác.

Hãy nghĩ đến sự thay đổi mà đứa bé hai tuổi phải trải qua. Từ khi chào đời, đứa bé được cha mẹ chăm sóc mọi thứ. Chẳng hạn nếu bé khóc, họ liền chạy tới. “Con có bệnh không? Con có đói không? Cần dỗ dành? Thay tã?”. Cha mẹ làm bất cứ điều gì để tình hình được tốt hơn. Và điều đó là hợp lý vì đứa bé hoàn toàn lệ thuộc vào cha mẹ.

Tuy nhiên khi lên hai, đứa bé bắt đầu cảm nhận rằng cha mẹ ngày càng ít phục vụ mình hơn. Thật vậy, thay vì phục vụ nhu cầu của thì cha mẹ mong đợi đáp ứng yêu cầu của mình. Mọi thứ đã thay đổi, có lẽ đứa bé hai tuổi khó chấp nhận điều này nên phản đối bằng cách cáu giận.

Qua thời gian, đứa bé bắt đầu nhận ra sự thật: cha mẹ là người dạy dỗ, chứ không chỉ là người chăm sóc. Nếu bé cũng ý thức vai trò của mình là “vâng lời cha mẹ” thì tốt (Cô-lô-se 3:20). Đồng thời, bé có thể thử thách lòng kiên nhẫn của cha mẹ bằng cách cáu giận hết lần này đến lần khác.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Thông cảm. Con bạn không phải là người trưởng thành thu nhỏ. Vì có ít kinh nghiệm trong việc đương đầu với cảm xúc, có lẽ bé phản ứng thái quá khi bực mình. Hãy cố đặt mình vào hoàn cảnh của con.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 13:11.

Bình tĩnh. Khi con cáu giận, việc bạn nóng tính sẽ không giúp gì cả. Nếu có thể được, hãy lờ đi sự cáu giận ấy và kiềm chế cảm xúc. Việc nhớ lý do con cáu giận sẽ giúp bạn bình tĩnh.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 19:11.

Giữ vững lập trường. Nếu chiều theo mọi ý muốn của con, rất có thể con sẽ cáu giận lần kế tiếp khi vòi vĩnh điều gì đó. Hãy bình tĩnh cho con thấy là một khi bạn đã nói thì không thay đổi.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Ma-thi-ơ 5:37.

Việc nhớ lý do con cáu giận sẽ giúp bạn bình tĩnh

Kiên nhẫn. Đừng mong đợi các cơn cáu giận sẽ biến mất một sớm một chiều, nhất là nếu con đã đạt điều nó muốn qua việc cáu giận. Tuy nhiên, nếu bạn phản ứng hợp lý và kiên định, rất có thể những cơn cáu giận sẽ giảm dần, rồi sẽ không còn nữa. Kinh Thánh nói: “Người có tình yêu thương thì kiên nhẫn”.—1 Cô-rinh-tô 13:4.

Cũng thử cách này:

  • Khi con bắt đầu “làm trận làm thượng”, hãy ôm bé vào lòng (nếu có thể), không cho bé đánh túi bụi, đồng thời đừng làm bé đau. Đừng la mắng bé. Chỉ đợi “cơn bão” qua đi. Cuối cùng, bé sẽ nhận ra việc cáu giận không mang lại kết quả nào.

  • Có một chỗ riêng, khi bé cáu giận thì cho vào đấy. Cho bé biết là khi nguôi giận thì mới được đi ra, rồi để bé ở đó.

  • Nếu con bạn cáu giận nơi đông người, hãy mang bé ra chỗ khác. Đừng chiều con chỉ vì có nhiều người chú ý. Điều này chỉ làm cho con hiểu là con sẽ được điều nó muốn khi cáu giận.