Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Làm sao tận dụng thời gian cách khôn ngoan?

Làm sao tận dụng thời gian cách khôn ngoan?

“Giá như mình có thêm thời gian!”. Đã bao nhiêu lần bạn nói như thế? Theo nghĩa nào đó, thời gian làm cho mọi người ngang hàng nhau vì người khỏe mạnh và giàu có cũng có bấy nhiêu thời gian như người thấp hèn và nghèo khổ. Ngoài ra, cả người giàu lẫn người nghèo không thể tích lũy thời gian. Một khi nó trôi qua thì sẽ không bao giờ trở lại. Vậy, điều khôn ngoan là hãy tận dụng thời gian đang có. Bằng cách nào? Hãy xem bốn phương cách đã giúp nhiều người sắp xếp thời gian cách hợp lý.

Phương cách 1: Biết sắp xếp

Thứ tự ưu tiên. Kinh Thánh khuyên: “Nhận biết những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). Lên danh sách liệt kê những việc quan trọng hay khẩn cấp hoặc cả hai. Hãy nhớ điều nào thật sự quan trọng, chẳng hạn việc mua đồ ăn tối có lẽ không khẩn cấp. Và điều có vẻ khẩn cấp có thể không quan trọng, như việc xem từ đầu chương trình truyền hình bạn thích nhất *.

Suy nghĩ trước. Truyền-đạo 10:10 cho biết: “Cái rìu lụt mà không mài lưỡi nó lại, ắt phải ráng sức càng nhiều; nhưng sự khôn-ngoan có ích đặng dẫn-dắt”. Bài học là gì? Việc ‘mài lưỡi rìu’ của mình bằng cách hoạch định trước sẽ giúp bạn tận dụng quỹ thời gian hữu hiệu nhất. Hãy để qua một bên hoặc loại bỏ những việc không quan trọng, chỉ tốn thời gian và sức lực. Nếu nhận thấy mình có thời gian rảnh vì đã hoàn tất một số công việc, sao không bắt đầu làm những việc mà bạn đã dự trù? Khi suy nghĩ trước, năng suất làm việc của bạn sẽ được nâng cao, như người thợ khôn ngoan ‘mài lưỡi rìu’ của mình.

Sống đơn giản hơn. Biết nói “không” với một số điều không quan trọng hoặc chiếm thời gian. Nếu có quá nhiều hoạt động và cuộc hẹn, bạn có thể bị căng thẳng và mất niềm vui.

Phương cách 2: Tránh những việc chiếm thời gian

Trì hoãn và thiếu sự quyết đoán. “Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt” (Truyền-đạo 11:4). Bài học là gì? Sự trì hoãn là kẻ cướp lấy thời gian và năng suất. Một nông dân đợi đến khi điều kiện thuận lợi có lẽ sẽ không bao giờ gieo hạt hoặc thu hoạch mùa màng. Tương tự thế, chúng ta có thể để những điều không chắc chắn trong đời sống khiến mình mất sự quyết đoán. Hoặc có lẽ chúng ta cảm thấy mình cần đợi cho đến khi biết mọi thông tin liên quan rồi mới quyết định. Dĩ nhiên, những quyết định quan trọng phải được xem xét kỹ và suy tính. Châm-ngôn 14:15 nói: “Người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Nhưng sự thật là trong nhiều quyết định cũng có một số điều không biết chắc.—Truyền-đạo 11:6.

Cầu toàn. Gia-cơ 3:17 nói: “Sự khôn ngoan từ trên [hay từ Đức Chúa Trời] thì... phải lẽ”. Tất nhiên, việc đặt kỳ vọng nơi mình là điều đáng khen! Nhưng, đôi khi chúng ta kỳ vọng quá nhiều đến mức bị thất vọng, ngay cả thất bại. Chẳng hạn, một người học ngôn ngữ phải chấp nhận việc sẽ mắc lỗi, và biết rằng mình sẽ học hỏi từ lỗi lầm ấy. Tuy nhiên, người cầu toàn rất có thể lo sợ khi nghĩ đến việc nói một điều gì sai—thái độ làm chậm sự tiến bộ. Thế nên, việc không kỳ vọng quá nhiều nơi bản thân là điều tốt hơn biết bao! Châm-ngôn 11:2 cho biết: “Sự khôn-ngoan vẫn ở với người khiêm-nhượng”. Hơn nữa, người khiêm nhượng và khiêm tốn không quá nghiêm khắc với bản thân và thường mỉm cười trước lỗi lầm của mình.

“Thật ra khi mua đồ, bạn không trả bằng tiền. Bạn trả bằng thời gian”.—What to Do Between Birth and Death

Phương cách 3: Thăng bằng và thực tế

Thăng bằng trong công việc và giải trí. “Tốt hơn là nắm đầy trong một bàn tay với sự nghỉ ngơi, nhàn hạ, còn hơn khổ nhọc cho đầy hai tay, như thể cố công bắt gió” (Truyền-đạo 4:6, Bản Dịch Mới). Người tham công tiếc việc thường không hưởng được kết quả của nỗi “khổ nhọc cho đầy hai tay” mình vì họ không còn thời gian hoặc sức lực. Ngược lại, người làm biếng chọn “hai tay” nghỉ ngơi và lãng phí thời gian quý báu. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta có quan điểm thăng bằng: Làm việc chăm chỉ hưởng công lao. Lòng vui mừng như thế là “một sự ban-cho của Đức Chúa Trời”.—Truyền-đạo 5:19.

Ngủ đầy đủ. Một người viết Kinh Thánh cho biết: “Tôi sẽ nằm và ngủ bình-an” (Thi-thiên 4:8). Hầu hết người trưởng thành cần phải ngủ khoảng tám tiếng mỗi đêm để có đủ sức, tinh thần tốt, và sáng suốt. Liên quan đến sự sáng suốt, thời gian ngủ là “sự đầu tư” khôn ngoan vì nó giúp chúng ta tập trung và cải thiện trí nhớ. Nhờ vậy khả năng học hỏi được nâng cao. Tuy nhiên, thiếu ngủ gây trở ngại cho việc học hỏi và góp phần gây ra tai nạn, lỗi lầm và tính khí bực bội.

Đặt mục tiêu thực tế. “Sự gì thấy bằng mắt hơn là sự tham-muốn buông-tuồng” (Truyền-đạo 6:9). Ý câu này là gì? Người khôn ngoan không để các ước muốn kiểm soát đời sống mình, nhất là những ước muốn thiếu thực tế hoặc không thể nào thỏa mãn. Thế nên, người đó không bị cám dỗ trước những lời quảng cáo hấp dẫn hoặc lời đề nghị vay tín dụng một cách dễ dàng. Thay vì thế, người ấy hài lòng với những gì mình có—“sự gì thấy bằng mắt”.

Phương cách 4: Để các giá trị đạo đức cao hướng dẫn

Hãy xem các giá trị đạo đức của bạn. Các giá trị đạo đức giúp bạn cân nhắc điều gì là tốt, quan trọng và xứng đáng. Giả sử đời sống bạn là một mũi tên, thì các giá trị của bạn sẽ định hướng mũi tên ấy. Vì thế, các giá trị đạo đức cao giúp bạn đặt ra những điều ưu tiên đúng đắn và biết cách tận dụng tối đa thời gian từng giờ từng ngày. Bạn có thể tìm các giá trị ấy ở đâu? Nhiều người tìm đến Kinh Thánh, họ nhận ra sự khôn ngoan vượt trội trong sách này.—Châm-ngôn 2:6, 7.

Hãy để tình yêu thương là đặc tính quan trọng nhất. Cô-lô-se 3:14 nói yêu thương “là mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”. Chúng ta không thể có hạnh phúc thật sự và bình an mà không có tình yêu thương, nhất là trong gia đình. Khi xem thường sự thật này, có lẽ đặt ưu tiên cho việc theo đuổi giàu sang và sự nghiệp, người ta đầu tư vào sự bất hạnh. Thế nên, tình yêu thương là đặc tính quan trọng nhất trong Kinh Thánh và được đề cập hàng trăm lần.—1 Cô-rinh-tô 13:1-3; 1 Giăng 4:8.

Hãy dành thời gian để đáp ứng nhu cầu tâm linh. Một người tên Geoff, có người vợ yêu quý, hai con xinh xắn, bạn bè tốt, và làm công việc có ý nghĩa, là y tá đi theo xe cứu thương. Dù vậy, trong công việc này, anh thường nhìn thấy sự đau khổ và cái chết. Anh tự nhủ: “Lẽ nào đời sống lại như thế sao?”. Cho đến một ngày, anh đọc một số ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Anh Geoff chia sẻ những điều đã học cho vợ và các con, họ cũng bắt đầu chú ý. Điều này giúp cả gia đình bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, làm cho đời sống họ trở nên phong phú và giúp họ tận dụng thời gian một cách khôn ngoan hơn. Việc tìm hiểu Kinh Thánh cũng giúp họ có hy vọng tuyệt diệu về sự sống vĩnh cửu đầy ý nghĩa trong một thế giới không còn đau khổ.—Khải huyền 21:3, 4.

Kinh nghiệm của anh Geoff nhắc chúng ta nhớ những lời của Chúa Giê-su Ki-tô: “Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:3). Bạn có sẵn sàng dành ra một chút thời gian để quan tâm đến nhu cầu tâm linh không? Khi làm thế bạn mới có thể biết tận dụng thời gian cách khôn ngoan, không chỉ mỗi ngày mà còn cả đời.

^ đ. 5 Xem “20 Ways to Create More Time” trong số Tỉnh Thức! tháng 4-2010 (Anh ngữ).