Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN

Làm sao để thương lượng?

Làm sao để thương lượng?

THÁCH THỨC

Bạn và người hôn phối có quan điểm khác nhau về một điều nào đó. Thật ra, bạn có ít nhất ba lựa chọn:

  1. Khăng khăng giữ quan điểm cho đến khi giành phần thắng.

  2. Đành chiều theo ý của người hôn phối.

  3. Cả hai có thể thương lượng.

Nhưng có thể bạn nói: “Tôi không thích ý tưởng thương lượng, vì nó giống như cuối cùng cả hai đều không đạt được điều mình muốn!”.

Hãy tin chắc rằng thương lượng không nhất thiết là cả hai đều bại trận nếu như làm đúng cách. Nhưng trước khi xem làm sao để thương lượng, bạn nên biết vài điều về kỹ năng quan trọng này.

BẠN NÊN BIẾT ĐIỀU GÌ?

Thương lượng đòi hỏi sự hợp tác. Trước khi kết hôn, có thể bạn quen quyết định một mình. Bây giờ hoàn cảnh đã thay đổi nên cả bạn lẫn người hôn phối đều phải đặt hôn nhân lên trên quan điểm cá nhân, và hãy xem đây là điểm thuận lợi thay vì bất lợi. Một người vợ tên Alexandra nói: “Ý kiến của hai người hợp lại có thể đi đến giải pháp tốt hơn là một người”.

Thương lượng đòi hỏi tinh thần cởi mở. Một nhà tư vấn hôn nhân là John M. Gottman viết: “Không nhất thiết bạn phải đồng ý với mọi điều người hôn phối nói hoặc tin, nhưng bạn phải chân thành cởi mở để xem xét quan điểm của người hôn phối. Trong khi người hôn phối đang cố giãi bày vấn đề, nếu bạn chỉ ngồi khoanh tay và lắc đầu nói không (ngay cả trong suy nghĩ), thì cuộc thảo luận sẽ chẳng đi đến đâu”. *

Thương lượng đòi hỏi tinh thần hy sinh. Không ai thích sống với một người luôn cho rằng: “Một là theo ý tôi, hai là ra đường”. Tốt hơn biết bao khi cả hai vợ chồng đều có tinh thần hy sinh. Một người vợ tên June nói: “Có những lúc tôi nhường chồng để làm anh ấy vui, và đôi khi anh ấy cũng làm thế với tôi. Đó là điều nên có trong hôn nhân—cho và nhận, chứ không chỉ nhận thôi”.

 BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Khởi đầu đúng cách. Thường thì giọng nói lúc bắt đầu cuộc thảo luận ra sao thì khi kết thúc cũng sẽ như vậy. Nếu bắt đầu bằng những lời cay nghiệt thì cơ hội để có cuộc thương lượng hòa bình là rất mong manh. Vì thế, hãy làm theo lời khuyên này của Kinh Thánh: “Hãy mặc lấy lòng trắc ẩn,... sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn” (Cô-lô-se 3:12). Những đức tính đó sẽ giúp bạn và người hôn phối tránh cãi vã, đồng thời bắt tay vào giải quyết vấn đề.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 4:6.

Tìm điểm chung. Nếu cuộc thương lượng có chiều hướng gây tranh cãi nhiều hơn thì có lẽ vợ chồng bạn đang quá tập trung vào những khía cạnh mà hai bên có quan điểm khác nhau. Vậy đừng làm thế, nhưng hãy xác định những điểm mà cả hai đều đồng ý. Để tìm điểm chung, hãy thử cách này:

Mỗi người hãy lập một danh sách gồm hai cột. Cột thứ nhất ghi những khía cạnh mà bạn cảm thấy phải giữ vững lập trường. Cột thứ hai liệt kê những khía cạnh mà bạn cảm thấy có thể thương lượng. Sau đó, hãy cùng nhau thảo luận cả hai danh sách. Rất có thể bạn sẽ nhận ra rằng những khía cạnh mà cả hai đều muốn giữ lập trường thật ra không hoàn toàn khác biệt. Nếu vậy thì sự thương lượng là điều có thể đạt được. Cho dù khác biệt đi nữa, thì việc ghi những khía cạnh đó trên giấy sẽ giúp bạn và người hôn phối nhìn rõ vấn đề hơn.

Cùng góp ý tưởng. Một số vấn đề có thể dễ giải quyết. Tuy nhiên, với những vấn đề phức tạp hơn thì vợ chồng có thể củng cố sợi dây hôn nhân bằng cách cùng góp ý tưởng để tìm ra giải pháp mà có lẽ mỗi người không tự tìm ra.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Truyền-đạo 4:9.

Sẵn sàng điều chỉnh quan điểm. Kinh Thánh khuyên: “Mỗi người hãy yêu vợ như yêu chính mình; còn vợ thì phải kính trọng chồng sâu xa” (Ê-phê-sô 5:33). Nếu luôn yêu thương và tôn trọng nhau thì vợ chồng sẵn sàng xem xét quan điểm của nhau, và thậm chí thay đổi suy nghĩ. Một người chồng tên Cameron nói: “Có những điều trước đây mình không muốn làm, nhưng nhờ ảnh hưởng từ người hôn phối mà về sau mình lại thích”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Sáng-thế Ký 2:18.

^ đ. 12 Từ sách Bảy nguyên tắc giúp hôn nhân thành công (The Seven Principles for Making Marriage Work).