Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh—Tại sao có nhiều bản?

Kinh Thánh—Tại sao có nhiều bản?

Tại sao ngày nay có rất nhiều bản dịch Kinh Thánh khác nhau? Bạn nghĩ những bản dịch Kinh Thánh là công cụ trợ giúp hay rào cản trong việc hiểu nội dung của Kinh Thánh? Việc tìm hiểu về những bản dịch này có thể giúp bạn đánh giá một cách sáng suốt.

Tuy nhiên, ban đầu ai viết Kinh Thánh? Và viết khi nào?

KINH THÁNH BẢN NGUYÊN THỦY

Kinh Thánh thường được chia thành hai phần. Phần đầu gồm 39 sách chứa đựng “thông điệp thánh của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:2). Đức Chúa Trời soi dẫn những người trung thành viết các sách này trong một thời gian dài, khoảng 1.100 năm, từ năm 1513 trước công nguyên đến một thời điểm sau năm 443 trước công nguyên. Họ viết chủ yếu bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Vì vậy, chúng ta gọi 39 sách này là phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, cũng được biết đến là Cựu ước.

Phần thứ hai gồm 27 sách cũng là “lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Đức Chúa Trời soi dẫn những môn đồ trung thành của Chúa Giê-su viết các sách này trong thời gian ngắn hơn rất nhiều, gần 60 năm từ khoảng năm 41 công nguyên đến năm 98 công nguyên. Họ viết chủ yếu bằng tiếng Hy Lạp. Vì vậy, chúng ta gọi 27 sách này là phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, cũng được biết đến là Tân ước.

Tất cả 66 sách được soi dẫn hợp thành một bản Kinh Thánh hoàn chỉnh, là thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Tuy nhiên, tại sao lại có nhiều bản dịch Kinh Thánh? Dưới đây là ba trong số những lý do cơ bản.

  • Cho phép người ta đọc Kinh Thánh trong ngôn ngữ mẹ đẻ.

  • Loại bỏ những lỗi sao chép, qua đó khôi phục lại văn bản gốc của Kinh Thánh.

  • Cập nhật ngôn ngữ cổ.

Hãy xem những yếu tố này liên quan thế nào đến hai bản dịch thời ban đầu.

BẢN SEPTUAGINT TIẾNG HY LẠP

Khoảng 300 năm trước thời Chúa Giê-su, các học giả người Do Thái bắt đầu dịch phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp. Bản dịch này được gọi là bản Septuagint tiếng Hy Lạp. Tại sao cần có bản dịch này? Để giúp nhiều người Do Thái nói tiếng Hy Lạp hiểu và yêu mến Kinh Thánh.—2 Ti-mô-thê 3:15.

Bản Septuagint cũng giúp hàng triệu người nói tiếng Hy Lạp mà không phải là gốc Do Thái biết những điều Kinh Thánh dạy. Như thế nào? Giáo sư W. F. Howard nói: “Từ giữa thế kỷ thứ nhất, bản dịch này trở thành Kinh Thánh của Ki-tô giáo. Các giáo sĩ của họ đi khắp các nhà hội ‘để dùng Kinh Thánh chứng minh rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si’” (Công vụ 17:3, 4; 20:20). Theo học giả Kinh Thánh F. F. Bruce, đó là một lý do khiến nhiều người Do Thái “không còn quan tâm đến bản Septuagint”.

Khi những môn đồ của Chúa Giê-su dần nhận được các sách của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, họ đã ghép chúng lại với bản Septuagint để tạo thành Kinh Thánh trọn bộ như chúng ta có ngày nay.

BẢN VULGATE TIẾNG LA-TINH

Khoảng 300 năm sau khi Kinh Thánh được hoàn tất, học giả tôn giáo Jerome đã cho ra đời một bản dịch Kinh Thánh trong tiếng La-tinh, sau này trở thành bản Vulgate tiếng La-tinh. Trước đó đã có nhiều bản Kinh Thánh tiếng La-tinh, vậy tại sao cần có một bản dịch mới? Theo Bách khoa từ điển Kinh Thánh tiêu chuẩn quốc tế (The International Standard Bible Encyclopedia), ông Jerome muốn sửa lại “những phần bị dịch sai, các lỗi và việc thêm bớt tùy tiện”.

Ông Jerome đã chỉnh sửa được nhiều lỗi như thế. Nhưng một thời gian sau, các chức sắc trong giáo hội đã gây ra vấn đề vô cùng nghiêm trọng! Trong nhiều thế kỷ, họ tuyên bố bản Vulgate tiếng La-tinh là bản dịch Kinh Thánh duy nhất được chấp nhận! Thay vì giúp dân thường hiểu Kinh Thánh, bản Vulgate đã làm cho sách này trở nên vô cùng khó hiểu, bởi về sau hầu như mọi người đều không biết tiếng La-tinh.

CÓ THÊM NHIỀU BẢN DỊCH

Cũng trong thời gian đó, người ta tiếp tục cho ra đời các bản dịch Kinh Thánh khác. Chẳng hạn, một bản dịch nổi tiếng là bản Peshitta bằng tiếng Sy-ri cổ vào khoảng thế kỷ 5 công nguyên. Nhưng mãi đến thế kỷ 14, người ta mới tiếp tục nỗ lực để giúp nhiều dân thường có Kinh Thánh trong tiếng mẹ đẻ.

Tại Anh Quốc, vào cuối thế kỷ 14, ông John Wycliffe bắt đầu bẻ gãy vòng kìm kẹp của ngôn ngữ đã chết qua việc xuất bản Kinh Thánh trong tiếng Anh, là ngôn ngữ mà người dân nước ông thật sự hiểu được. Không lâu sau đó, phương pháp in của ông Johannes Gutenberg đã mở đường cho các học giả xuất bản và phổ biến các bản dịch Kinh Thánh trong nhiều ngôn ngữ thông dụng khác ra khắp châu Âu.

Khi xuất hiện thêm nhiều bản dịch Kinh Thánh trong tiếng Anh, các nhà phê bình nêu ra câu hỏi tại sao cần có những bản dịch khác nhau trong cùng ngôn ngữ. Vào thế kỷ 18, tu sĩ người Anh là John Lewis viết: “Ngôn ngữ dần trở nên cổ xưa và khó hiểu. Vì vậy, cần xem xét và cập nhật các bản dịch cũ sang ngôn ngữ thông dụng để thế hệ hiện tại hiểu được Kinh Thánh”.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, các học giả Kinh Thánh có nhiều lợi thế trong việc xem xét các bản dịch cũ. Họ có thể hiểu rõ hơn ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh Thánh. Ngoài ra, họ có những bản chép tay cổ xưa quý giá được tìm thấy trong thời gian gần đây. Những bản chép tay này giúp xác định nội dung văn bản gốc của Kinh Thánh chính xác hơn.

Thật vậy, các bản dịch Kinh Thánh mang lại nhiều lợi ích. Tất nhiên, chúng ta cần suy xét khi chọn một bản dịch. * Nhưng nếu động lực của những người thực hiện các bản dịch Kinh Thánh là vì chân thành yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nhận được rất nhiều lợi ích từ công việc của họ.

 

^ đ. 24 Xin xem bài “Làm sao chọn bản dịch Kinh Thánh đáng tin cậy?” trong Tháp Canh ngày 1-5-2008.