Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

“Trở nên như mọi loại người”

“Trở nên như mọi loại người”

“Nếu cô làm báp-têm, tôi sẽ bỏ cô!”. Năm 1941, ba đã dùng những lời đó để đe dọa mẹ tôi. Bất chấp sự đe dọa của ba, mẹ vẫn quyết định biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời qua phép báp-têm. Ba đã bỏ đi đúng như lời mà ba đe dọa. Lúc đó tôi mới tám tuổi.

Trước đó, tôi đã bắt đầu quan tâm đến sự thật Kinh Thánh. Mẹ nhận những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh và nội dung trong đó đã thu hút tôi, đặc biệt là các hình minh họa. Ba không muốn mẹ nói cho tôi về những gì mẹ học được. Tuy nhiên, tôi tò mò và nêu lên những câu hỏi. Vì thế, mẹ đã học với tôi khi ba vắng nhà. Cuối cùng, tôi cũng muốn dâng đời sống của mình cho Đức Giê-hô-va. Tôi làm báp-têm ở Blackpool, Anh Quốc, vào năm 1943, lúc mười tuổi.

BẮT ĐẦU PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Kể từ đó, mẹ và tôi đều đặn tham gia công việc rao giảng cùng nhau. Để giới thiệu thông điệp Kinh Thánh, chúng tôi dùng các máy hát đĩa. Chúng khá cồng kềnh và nặng khoảng 4,5kg. Thử hình dung một cậu nhóc như tôi đang kéo lê một trong những máy hát đĩa ấy!

Khi 14 tuổi, tôi muốn làm tiên phong. Mẹ bảo trước tiên tôi nên nói chuyện với tôi tớ phục vụ anh em (nay gọi là giám thị vòng quanh). Anh ấy khuyên tôi cố gắng trang bị cho mình kỹ năng làm việc nào đó để có thể tự chu cấp khi làm tiên phong. Tôi đã làm thế. Sau khi đi làm hai năm, tôi tham khảo ý kiến của một giám thị vòng quanh khác về việc tiên phong. Anh ấy nói: “Hãy làm đi!”.

Vì thế, vào tháng 4 năm 1949, tôi và mẹ đã cho hoặc bán đồ đạc của mình trong căn nhà mà chúng tôi thuê và chuyển đến Middleton, gần Manchester. Tại đó, chúng tôi bắt đầu công việc tiên phong. Sau bốn tháng, có một anh cùng làm tiên phong với tôi. Văn phòng chi nhánh đề nghị chúng tôi chuyển đến một hội thánh mới thành lập ở Irlam. Mẹ tôi làm tiên phong với một chị trong hội thánh khác.

Dù mới 17 tuổi, tôi và người bạn tiên phong đã được giao trách nhiệm điều khiển các buổi nhóm họp, vì chỉ có một vài anh hội đủ điều kiện trong hội thánh mới. Sau đó, tôi được mời chuyển tới hội thánh Buxton, nơi có rất ít người công bố và cần sự hỗ trợ. Tôi luôn xem những kinh nghiệm thuở ban đầu là sự huấn luyện cho các nhiệm vụ trong tương lai.

Năm 1953, tôi cùng với những anh chị khác quảng cáo về một bài giảng công cộng ở Rochester, New York

Vào năm 1951, tôi nộp đơn xin học Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh. Tuy nhiên, tháng 12 năm 1952, tôi bị gọi trình diện nhập ngũ. Tôi xin được miễn với lý do là người truyền giáo trọn thời gian, nhưng tòa án không công nhận tôi là người truyền giáo và họ đã tuyên án tôi sáu tháng tù. Trong khi ngồi tù, tôi nhận được lời mời tham dự khóa 22 của trường Ga-la-át. Vì thế, vào tháng 7 năm 1953, tôi lên con tàu có tên là Georgic, tiến thẳng đến New York.

Khi đến nơi, tôi đã tham dự Hội nghị Xã hội Thế Giới Mới vào năm 1953. Sau đó, tôi đi xe lửa đến South Lansing, New York, nơi tổ chức trường Ga-la-át. Vì mới ra tù nên tôi chỉ có một chút tiền. Khi xuống xe lửa, tôi được một chiếc xe buýt đưa đến South Lansing, và tôi phải vay 25 xu từ một hành khách đi chung để mua vé.

MỘT NHIỆM SỞ Ở NƯỚC NGOÀI

Trường Ga-la-át đã cung cấp sự huấn luyện tuyệt vời, giúp chúng tôi “trở nên như mọi loại người” trong công tác giáo sĩ (1 Cô 9:22). Tôi và hai anh khác là Paul Bruun và Raymond Leach cùng được bổ nhiệm đến Philippines. Để có visa, chúng tôi phải chờ vài tháng. Sau đó chúng tôi lên thuyền, băng qua Rotterdam, biển Địa Trung Hải, kênh đào Suez, Ấn Độ Dương, Malaysia và Hồng Kông: tổng cộng 47 ngày lênh đênh trên biển! Cuối cùng, chúng tôi cập bến ở Manila vào ngày 19-11-1954.

Tôi và người bạn cùng làm giáo sĩ là anh Raymond Leach đã trải qua 47 ngày trên thuyền để đến Philippines

Sau đó, chúng tôi bắt đầu thích nghi với dân tộc mới, vùng đất mới và thậm chí là ngôn ngữ mới. Tuy nhiên lúc đầu, ba người chúng tôi được mời đến phục vụ tại một hội thánh ở thành phố Quezon, là nơi có nhiều người dân nói tiếng Anh. Vì thế, sau sáu tháng, chúng tôi chỉ biết vài từ trong tiếng Tagalog. Nhiệm sở tiếp theo đã giúp chúng tôi giải quyết vấn đề đó.

Một ngày nọ, vào tháng 5 năm 1955, khi đi rao giảng về, anh Leach và tôi thấy một tệp thư trong phòng. Những lá thư ấy cho biết chúng tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Tôi chỉ mới 22 tuổi nhưng nhiệm vụ này cho tôi cơ hội “trở nên như mọi loại người” theo những cách mới.

Làm một bài giảng tại hội nghị vòng quanh trong ngôn ngữ Bicol

Chẳng hạn, tôi làm bài giảng công cộng đầu tiên với tư cách là giám thị vòng quanh ở trước một cửa hàng ngoài trời trong làng. Tôi sớm nhận ra rằng hồi đó ở Philippines, các bài giảng công cộng đã được thực hiện ở những nơi công cộng thật sự! Khi thăm những hội thánh khác thuộc vòng quanh của mình, tôi làm bài giảng ở các chòi, khu chợ, ở trước hội trường của thành phố, sân chơi bóng rổ, trong công viên và thường xuyên là ở các góc phố. Một lần tại thành phố San Pablo, một trận mưa như trút nước đã khiến tôi không thể làm bài giảng ở chợ ngoài trời, vì thế tôi đã đề nghị với các anh có trách nhiệm rằng tôi sẽ làm bài giảng tại Phòng Nước Trời. Sau đó, các anh hỏi tôi liệu có thể báo cáo đó là một buổi họp công cộng không, vì không phải được tổ chức ở nơi công cộng!

Chúng tôi luôn ở tại nhà các anh em. Dù nhà của họ rất đơn sơ nhưng luôn sạch sẽ. Giường của tôi thường là một tấm chiếu trải trên sàn nhà gỗ. Nơi tắm gội không phải là chỗ kín đáo, vì thế tôi học cách tắm ở ngoài trời. Tôi di chuyển bằng xe jeepney và xe buýt, đôi lúc bằng thuyền khi muốn đến những hòn đảo khác. Trong tất cả các năm phụng sự, tôi chưa bao giờ có xe hơi.

Việc tham gia thánh chức và thăm các hội thánh đã giúp tôi học tiếng Tagalog. Dù chưa bao giờ học một khóa chính quy về ngôn ngữ, nhưng tôi đã học qua việc nghe các anh em nói trong lúc rao giảng và tại những buổi nhóm họp. Các anh em muốn giúp tôi học ngôn ngữ và tôi biết ơn về sự kiên nhẫn cũng như những lời nhận xét chân thật của họ.

Với thời gian, những nhiệm vụ mới đã thôi thúc tôi có thêm sự điều chỉnh. Vào năm 1956, khi anh Nathan Knorr đến thăm, tôi được giao việc phụ trách quan hệ công chúng tại hội nghị toàn quốc. Tôi không có kinh nghiệm, vì thế các anh em khác đã sẵn sàng giúp tôi học hỏi. Chưa đầy một năm sau, một hội nghị toàn quốc khác được tổ chức và anh Frederick Franz từ trụ sở trung ương đến thăm. Trong thời gian phục vụ với tư cách là giám thị hội nghị, tôi học được nhiều điều từ tinh thần sẵn sàng thích nghi của anh Franz. Các anh địa phương rất vui khi thấy anh Franz mặc áo barong Tagalog, trang phục truyền thống của người Philippines, khi anh làm bài giảng công cộng.

Tôi cần có thêm những sự điều chỉnh khi được bổ nhiệm làm giám thị địa hạt. Lúc đó, chúng tôi chiếu bộ phim Hạnh phúc của Xã hội Thế Giới Mới (The Happiness of the New World Society), hầu hết là ở ngoài trời tại những nơi công cộng. Những con côn trùng đã gây phiền toái cho chúng tôi. Ánh sáng từ đèn của máy chiếu thu hút chúng đến, rồi chúng bị kẹt trong máy. Sau đó, việc làm sạch máy chiếu là cả một vấn đề! Không dễ để sắp xếp những buổi chiếu phim như vậy, nhưng thật thỏa nguyện vì thấy sự hưởng ứng của người dân khi họ quen với tính chất quốc tế của tổ chức Đức Giê-hô-va.

Các linh mục Công giáo đã gây sức ép với chính quyền địa phương để họ không cấp giấy phép cho chúng tôi tổ chức hội nghị. Họ cũng ra sức rung chuông nhà thờ để làm cho âm thanh lấn át chương trình của chúng tôi vào bất cứ khi nào bài giảng được thực hiện ở gần các nhà thờ. Tuy nhiên, công việc vẫn tiến triển và giờ đây, nhiều người ở các vùng đó đã trở thành tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

NHỮNG NHIỆM VỤ ĐÒI HỎI CÓ THÊM SỰ ĐIỀU CHỈNH

Vào năm 1959, tôi nhận được một bức thư cho biết mình được bổ nhiệm để phụng sự tại văn phòng chi nhánh. Nhiệm vụ này đã giúp tôi học hỏi thêm nhiều điều. Với thời gian, tôi được cử đi thăm một số quốc gia với tư cách là giám thị vùng. Trong một chuyến đi như thế, tôi đã quen biết chị Janet Dumond, một giáo sĩ ở Thái Lan. Chúng tôi trao đổi thư từ qua lại với nhau và sau đó kết hôn. Vợ chồng chúng tôi đã có 51 năm đầy thỏa nguyện trong việc cùng nhau phụng sự.

Cùng Janet trên một trong nhiều hòn đảo của Philippines

Tổng cộng, tôi có niềm vui được thăm dân của Đức Giê-hô-va trong 33 quốc gia. Tôi rất biết ơn vì những nhiệm vụ trước đây đã giúp tôi được chuẩn bị cho các thử thách đặc biệt, liên quan đến việc đối xử với những người có gốc gác khác nhau! Các chuyến thăm đã mở rộng tầm nhìn của tôi và giúp tôi thấy rằng Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương với mọi loại người.—Công vụ 10:34, 35.

Chúng tôi đảm bảo rằng mình đều đặn tham gia công việc rao giảng

TIẾP TỤC THÍCH NGHI

Thật vui sướng khi được phụng sự với các anh em ở Philippines! Số người công bố hiện nay đã gia tăng khoảng mười lần so với lúc tôi bắt đầu phụng sự ở nơi đây. Janet và tôi tiếp tục cùng nhau phụng sự tại văn phòng chi nhánh Philippines ở thành phố Quezon. Thậm chí sau hơn 60 năm tại nhiệm sở nước ngoài, tôi vẫn cần sẵn sàng thích nghi với những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi. Những sự thay đổi gần đây trong tổ chức đòi hỏi chúng tôi duy trì sự linh động trong việc phụng sự Đức Chúa Trời và phục vụ anh em.

Sự gia tăng về số Nhân Chứng luôn mang lại cho chúng tôi niềm vui

Chúng tôi đã nỗ lực để chấp nhận bất cứ điều gì mình nhận biết là ý muốn của Đức Giê-hô-va, và đó là lối sống rất thỏa nguyện. Chúng tôi cũng cố gắng thực hiện những thay đổi cần thiết và phục vụ anh em tốt hơn. Đúng vậy, chúng tôi luôn quyết tâm “trở nên như mọi loại người”, theo ý muốn của Đức Giê-hô-va.

Chúng tôi vẫn đang phụng sự tại văn phòng chi nhánh ở thành phố Quezon