Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các khải tượng của Xa-cha-ri ảnh hưởng đến anh chị ra sao?

Các khải tượng của Xa-cha-ri ảnh hưởng đến anh chị ra sao?

“Hãy trở lại cùng ta... Rồi ta sẽ trở lại cùng các con”.—XA 1:3.

BÀI HÁT: 120, 117

1-3. (a) Khi Xa-cha-ri bắt đầu công việc tiên tri, dân của Đức Giê-hô-va đang ở trong tình trạng nào? (b) Tại sao Đức Giê-hô-va bảo dân ngài ‘trở lại cùng ngài’?

Một cuộn sách đang bay, một người đàn bà bị nhốt trong thùng và hai phụ nữ bay lượn trong gió có cánh như cánh cò là những hình ảnh sống động được thấy trong sách Xa-cha-ri (Xa 5:1, 7-9). Tại sao Đức Giê-hô-va cho nhà tiên tri của ngài thấy những khải tượng đáng chú ý đó? Tình trạng của dân Y-sơ-ra-ên vào lúc đó ra sao? Các khải tượng mà Xa-cha-ri ghi lại ảnh hưởng thế nào đến chúng ta ngày nay?

2 Năm 537 TCN là thời điểm vui mừng đối với dân đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Sau 70 năm dài bị lưu đày, họ được giải phóng khỏi Ba-by-lôn. Với lòng nhiệt huyết ban đầu, họ bắt tay vào việc khôi phục sự thờ phượng thật ở Giê-ru-sa-lem. Năm 536 TCN, nền của đền thờ được lập. Lúc đó, dân chúng “reo hò lớn tiếng đến nỗi từ rất xa cũng nghe thấy” (Ê-xơ-ra 3:10-13). Tuy nhiên không lâu sau, dự án xây cất của họ gặp sự chống đối. Vì nản lòng trước nhiều khó khăn thử thách, dân chúng bỏ việc xây đền thờ và bắt đầu tập trung vào việc xây nhà riêng và trồng trọt. Mười sáu năm sau, việc xây đền thờ của Đức Giê-hô-va vẫn còn dang dở. Dân Đức Giê-hô-va cần được nhắc nhở rằng họ nên trở lại cùng ngài và ngưng đặt quyền lợi cá nhân lên hàng đầu. Đức Giê-hô-va muốn họ trở về với ngài, lại can đảm và thờ phượng ngài hết lòng.

3 Để giúp dân ngài nhớ lại lý do họ được giải phóng khỏi Ba-by-lôn, Đức Chúa Trời phái nhà tiên tri Xa-cha-ri đến vào năm 520 TCN. Chính tên Xa-cha-ri, có nghĩa là “Đức Giê-hô-va nhớ lại”, có thể nhắc họ nhớ đến một sự thật trọng yếu. Dù dân Đức Giê-hô-va đã quên các hành động giải cứu của ngài, nhưng ngài vẫn nhớ đến họ. (Đọc Xa-cha-ri 1:3, 4). Đức Chúa Trời yêu thương trấn an họ rằng ngài sẽ giúp họ tái lập sự thờ phượng thanh sạch, nhưng cũng thẳng thắn cảnh báo họ rằng ngài sẽ chẳng dung túng sự thờ phượng không trọn lòng. Chúng ta hãy xem làm thế nào qua khải tượng thứ sáu và thứ bảy của Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va thúc đẩy họ hành động. Cũng hãy xem chúng ta có thể rút ra những bài học nào.

ĐỨC CHÚA TRỜI TRỪNG PHẠT NHỮNG AI TRỘM CẮP

4. Xa-cha-ri thấy gì trong khải tượng thứ sáu, và việc có chữ viết ở cả hai mặt của cuộn sách có nghĩa gì? (Xem hình 1 nơi đầu bài).

4 Chương 5 của sách Xa-cha-ri bắt đầu với một khải tượng kỳ lạ. (Đọc Xa-cha-ri 5:1, 2). Xa-cha-ri thấy một cuộn sách đang bay, dài gần 9m và rộng 4,5m! Cuộn sách đang mở, sẵn sàng để đọc. Cuộn sách chứa thông điệp phán xét ở cả hai mặt (Xa 5:3). Thường thì cuộn sách chỉ được viết trên một mặt, nên cuộn sách này rõ ràng chứa đựng thông điệp hệ trọng.

Mọi hình thức trộm cắp đều không có chỗ trong vòng tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Xem đoạn 5-7)

5, 6. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về mọi hình thức trộm cắp?

5 Đọc Xa-cha-ri 5:3, 4. Dù toàn thể nhân loại đều phải khai trình với Đức Giê-hô-va, nhưng dân mang danh ngài càng phải làm thế. Những người yêu mến Đức Chúa Trời ý thức rằng mọi hình thức trộm cắp đều “làm ô danh Đức Chúa Trời của [họ]” (Châm 30:8, 9). Dù ăn cắp với động cơ nào hoặc lý do có vẻ hợp lý đến đâu, người ăn cắp đặt lòng tham muốn lên trên Đức Chúa Trời và quá đề cao của cải vật chất. Người ấy xem nhẹ luật pháp của Đức Chúa Trời, không xem Đức Giê-hô-va và danh ngài là quan trọng.

6 Anh chị có để ý thấy Xa-cha-ri 5:3, 4 nói rằng ‘lời rủa sả sẽ vào nhà kẻ trộm cắp; nó sẽ ở lại trong nhà chúng và thiêu hủy hết’? Thật vậy, không thanh cài hay loại khóa nào ngăn được án phạt của Đức Giê-hô-va. Án phạt ấy có thể xuyên qua bất cứ nơi lẩn trốn nào để vạch trần hành động sai trái trong vòng dân Đức Giê-hô-va. Dù một người có thể giấu các bậc cầm quyền, người chủ, trưởng lão hoặc cha mẹ về hành vi trộm cắp, nhưng không thể giấu được Đức Chúa Trời, đấng đảm bảo là mọi hành vi trộm cắp sẽ bị phô bày (Hê 4:13). Thật yên lòng khi kết hợp với những người luôn ý thức rằng họ cần lương thiện “trong mọi việc”!—Hê 13:18.

7. Bằng cách nào chúng ta tránh được lời rủa sả của cuộn sách đang bay?

7 Đức Giê-hô-va gớm ghiếc mọi hình thức trộm cắp. Chúng ta xem việc sống theo tiêu chuẩn cao của ngài là một vinh dự. Chúng ta không bao giờ để hạnh kiểm của mình khiến danh ngài bị bôi nhọ. Nhờ thế, chúng ta tránh được sự phán xét mà Đức Giê-hô-va giáng trên những người cố ý vi phạm luật pháp của ngài.

GIỮ LỜI HỨA “NGÀY QUA NGÀY”

8-10. (a) Lời thề là gì? (b) Vua Xê-đê-kia đã không giữ lời thề nào?

8 Kế tiếp, thông điệp được viết trên cuộn sách đang bay cảnh báo những ai ‘lấy danh Đức Chúa Trời mà thề dối’ (Xa 5:4). Lời thề là lời cam đoan để xác nhận điều gì đó là sự thật, hoặc là lời hứa long trọng cho thấy một người sẽ làm hay không làm điều gì đó.

9 Lấy danh Đức Giê-hô-va mà thề là một vấn đề rất hệ trọng. Đó chính là điều mà Xê-đê-kia, vua cai trị cuối cùng tại Giê-ru-sa-lem, đã làm. Xê-đê-kia lấy danh Đức Giê-hô-va mà thề rằng ông sẽ trung thành phục tùng vua Ba-by-lôn. Thế nhưng, ông không giữ lời thề. Hậu quả là Đức Giê-hô-va phán xét ông qua những lời sau: “Thật như ta hằng sống, [Xê-đê-kia] sẽ chết tại Ba-by-lôn, tại xứ của vị vua đã đưa nó lên ngôi, là vua mà nó đã khinh bỉ lời thề và bội giao ước”.—Ê-xê 17:16.

10 Trước mặt Đức Giê-hô-va, vua Xê-đê-kia có bổn phận phải làm theo lời mà ông đã lấy danh ngài mà thề (2 Sử 36:13). Tuy nhiên, ông lại quay sang Ai Cập để cố gắng thoát khỏi ách của Ba-by-lôn nhưng vô ích.—Ê-xê 17:11-15, 17, 18.

11, 12. (a) Lời hứa nguyện nào của chúng ta là quan trọng nhất? (b) Lời hứa nguyện dâng mình nên ảnh hưởng thế nào đến đời sống hằng ngày của chúng ta?

11 Đức Giê-hô-va cũng lắng nghe những lời mà chúng ta hứa. Ngài xem trọng các lời hứa nguyện của chúng ta, và chúng ta phải thực hiện những lời hứa nguyện ấy để được ngài chấp nhận (Thi 76:11). Trong tất cả những lời mà chúng ta hứa, lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Giê-hô-va là quan trọng nhất. Dâng mình là long trọng hứa nguyện rằng sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va vô điều kiện.

12 Bằng cách nào chúng ta sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình? Khi đối mặt với thử thách dù lớn hay nhỏ, cách phản ứng của chúng ta nên cho thấy mình xem trọng lời hứa nguyện là ngợi khen Đức Giê-hô-va “ngày qua ngày” (Thi 61:8). Chẳng hạn, khi bị đồng nghiệp hoặc bạn học tán tỉnh, chúng ta có xem đây là cơ hội để “vui thích nơi đường [Đức Giê-hô-va]” bằng cách khước từ không? (Châm 23:26). Nếu sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo, chúng ta có cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình giữ nhân cách của người tín đồ ngay cả khi không ai khác xung quanh làm thế không? Mỗi ngày, chúng ta có đến gần Cha yêu thương trên trời qua lời cầu nguyện để cảm tạ ngài về tình yêu thương và sự hướng dẫn của ngài không? Chúng ta có dành thời gian đọc Kinh Thánh hằng ngày không? Theo một nghĩa nào đó, khi dâng mình chẳng phải chúng ta hứa sẽ làm những điều ấy sao? Đây là vấn đề về sự vâng lời. Việc tham gia hết mình vào sự thờ phượng cho thấy chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và dâng mình một cách trọn vẹn cho ngài. Sự thờ phượng là lối sống, chứ không chỉ là hình thức. Việc thực hiện lời hứa sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta, và khi trung thành, chúng ta sẽ có một tương lai chắc chắn.—Phục 10:12, 13.

13. Chúng ta học được gì từ khải tượng thứ sáu của Xa-cha-ri?

13 Khải tượng thứ sáu của Xa-cha-ri giúp chúng ta hiểu rằng những người yêu thương Đức Giê-hô-va không được dính líu đến bất cứ hình thức nào của việc trộm cắp hoặc thề dối. Chúng ta cũng thấy rằng dù dân Y-sơ-ra-ên sai sót nhưng Đức Giê-hô-va không từ bỏ họ. Ngài hiểu rằng họ phải chịu áp lực từ các kẻ thù xung quanh. Ngài nêu gương cho chúng ta qua việc giữ lời ngài hứa, và ngài sẽ giúp chúng ta giữ lời mình hứa. Một cách ngài giúp chúng ta là ban cho chúng ta hy vọng về tương lai. Không lâu nữa, ngài sẽ chấm dứt mọi sự gian ác trên khắp đất. Khải tượng kế tiếp của Xa-cha-ri đảm bảo hy vọng tươi sáng ấy là chắc chắn.

SỰ GIAN ÁC ‘BỊ ĐẶT Ở ĐÚNG CHỖ CỦA Ả’

14, 15. (a) Trong khải tượng thứ bảy của Xa-cha-ri, ông thấy gì? (Xem hình 2 nơi đầu bài). (b) Người đàn bà trong thùng ê-pha tượng trưng cho điều gì? Tại sao ả bị giam cầm trong thùng đậy kín?

14 Sau khi Xa-cha-ri thấy cuộn sách đang bay, một thiên sứ bảo ông “nhìn lên”. Khải tượng thứ bảy của ông tiết lộ điều gì? Bây giờ ông thấy một cái thùng, được gọi là “ê-pha”, đang đi ra. (Đọc Xa-cha-ri 5:5-8). Thùng này có “nắp tròn bằng chì”. Khi nắp ấy được mở ra, Xa-cha-ri thấy “một người đàn bà ngồi trong thùng”. Thiên sứ giải thích rằng người đàn bà trong thùng là “Sự Gian Ác”. Hãy hình dung Xa-cha-ri sợ hãi thế nào khi người đàn bà ấy cố bò ra khỏi nơi giam cầm! Thiên sứ nhanh chóng đẩy ả vào lại trong thùng rồi đậy kín bằng cái nắp nặng. Điều này có nghĩa gì?

15 Phần này của khải tượng nhấn mạnh rằng Đức Giê-hô-va sẽ không dung túng bất cứ loại gian ác nào trong vòng dân ngài. Ngài sẽ lo liệu sao cho sự gian ác được kiểm soát và nhanh chóng bị loại bỏ (1 Cô 5:13). Thiên sứ đảm bảo điều này bằng cách đậy ập nắp chì lên miệng thùng.

Đức Giê-hô-va làm mọi điều có thể để giữ cho sự thờ phượng ngài được thanh sạch (Xem đoạn 16-18)

16. (a) Tiếp theo, Xa-cha-ri thấy điều gì xảy ra với cái thùng? (Xem hình 3 nơi đầu bài). (b) Hai phụ nữ có cánh mang cái thùng đi đâu?

16 Tiếp theo cảnh tượng ấy là hai phụ nữ có cánh mạnh như cánh cò. (Đọc Xa-cha-ri 5:9-11). Các phụ nữ này khác hẳn người đàn bà trong thùng! Họ dùng đôi cánh mạnh mẽ để sà xuống và nâng thùng chứa “Sự Gian Ác” lên. Họ mang ả đi đâu? Sự Gian Ác bị đưa đến “xứ Si-nê-a”, hay Ba-by-lôn. Tại sao họ mang cái thùng đến Ba-by-lôn?

17, 18. (a) Tại sao Ba-by-lôn là chỗ thích hợp cho “Sự Gian Ác”? (b) Về sự gian ác, chúng ta nên quyết tâm làm gì?

17 Đối với dân Y-sơ-ra-ên vào thời Xa-cha-ri, Ba-by-lôn là chỗ thích hợp để giam cầm Sự Gian Ác. Xa-cha-ri và những người Do Thái khác có thể xác nhận rằng Ba-by-lôn là một nơi gian ác vào thời họ. Lớn lên giữa một thành có đầy dẫy sự suy đồi và việc thờ thần tượng, họ đã phải tranh đấu mỗi ngày để kháng cự tinh thần của xứ ngoại giáo ấy. Hẳn khải tượng này khiến họ thật nhẹ nhõm! Họ được đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ giữ cho sự thờ phượng ngài được thanh sạch.

18 Tuy nhiên, khải tượng ấy cũng nhắc người Do Thái rằng họ có trách nhiệm giữ cho sự thờ phượng của mình được thanh sạch. Sự gian ác không thể và sẽ không được phép len lỏi vào cũng như ngự trị trong vòng dân Đức Giê-hô-va. Sau khi được vào tổ chức thanh sạch của Đức Chúa Trời, nơi có sự an toàn và chăm sóc yêu thương, chúng ta có trách nhiệm góp phần giữ cho tổ chức của ngài luôn thanh sạch. Bất cứ loại gian ác nào đều không có chỗ trong địa đàng thiêng liêng.

DÂN THÁNH SẠCH TÔN VINH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

19. Những khải tượng sống động của Xa-cha-ri có ý nghĩa gì với chúng ta?

19 Khải tượng thứ sáu và thứ bảy của Xa-cha-ri là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những ai không chịu bỏ những hành vi bất lương, cũng là lời nhắc nhở rằng Đức Giê-hô-va không dung túng việc làm sai trái. Còn những người chân thành thờ phượng ngài thì phải thật lòng ghét sự gian ác. Các lời tường thuật này cũng là sự đảm bảo đầy yêu thương của Cha trên trời. Nếu cố gắng hết sức để trở thành loại người mà Đức Chúa Trời chấp nhận và bảo vệ, chúng ta sẽ không đối mặt với lời rủa sả chết người. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va sẽ vui lòng ban phước cho chúng ta. Mọi nỗ lực của chúng ta nhằm giữ mình thanh sạch trong một thế gian đầy dẫy sự gian ác sẽ đáng công. Hãy tin chắc rằng chúng ta có thể thành công với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va! Nhưng làm thế nào chúng ta biết chắc sự thờ phượng thật sẽ chiến thắng trong thế gian đầy dẫy sự không tin kính này? Chúng ta có lời đảm bảo nào cho thấy Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ tổ chức của ngài khi hoạn nạn lớn đến gần? Những câu hỏi này sẽ được thảo luận trong bài sau.