Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Biết ơn khi nhận—Hết lòng ban cho

Biết ơn khi nhận—Hết lòng ban cho

Biết ơn khi nhận—Hết lòng ban cho

Đức Giê-hô-va, Cha yêu thương trên trời, quan tâm đến chúng ta. Lời Đức Chúa Trời bảo đảm với chúng ta rằng Ngài rất quan tâm đến mọi tôi tớ của Ngài (1 Phi 5:7). Một cách Đức Giê-hô-va biểu lộ lòng quan tâm là ban cho chúng ta sự giúp đỡ dưới nhiều hình thức để chúng ta trung thành phụng sự Ngài (Ê-sai 48:17). Đặc biệt khi gặp những vấn đề đau buồn, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tận dụng sự giúp đỡ mà Ngài cung cấp. Điều này được thấy trong Luật pháp Môi-se.

Theo sự sắp đặt của Luật pháp ấy, Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ đầy yêu thương cho “kẻ khó”, tức những người ở trong hoàn cảnh khó khăn như kẻ mồ côi, người góa bụa và khách ngoại bang (Lê 19:9, 10, Nguyễn Thế Thuấn; Phục 14:29). Đức Chúa Trời biết rằng một số tôi tớ của Ngài cần được anh em đồng đạo giúp đỡ (Gia 1:27). Vì thế, không một tôi tớ nào của Đức Giê-hô-va phải miễn cưỡng chấp nhận sự giúp đỡ đến từ những người được Ngài thúc đẩy. Dù vậy, chúng ta muốn thể hiện thái độ đúng khi nhận sự giúp đỡ.

Đồng thời, Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh rằng dân của Ngài cũng có cơ hội ban cho. Hãy nhớ đến lời tường thuật về “mụ góa nghèo” mà Chúa Giê-su đã quan sát tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem (Lu 21:1-4). Dường như bà được lợi ích từ sự sắp đặt đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho góa phụ, như được đề cập trong Luật pháp Môi-se. Tuy nhiên, dù là người nghèo, góa phụ ấy được nhớ đến bởi những gì bà cho chứ không phải những gì bà nhận. Thái độ ban cho hẳn khiến bà hạnh phúc, vì Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công 20:35). Ghi nhớ lẽ thật đó, làm sao bạn có thể ban cho và nhờ thế cảm nghiệm được niềm hạnh phúc?—Lu 6:38.

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va?”

Người viết Thi-thiên thắc mắc: “Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?” (Thi 116:12). Ông đã nhận được lợi ích nào? Đức Giê-hô-va đã hỗ trợ ông trong suốt giai đoạn ‘gian-truân và sầu-khổ’. Hơn nữa, Đức Giê-hô-va “đã giải-cứu linh-hồn [ông] khỏi chết”. Giờ đây, ông muốn làm điều gì đó để “báo đáp” Đức Giê-hô-va. Người viết Thi-thiên có thể làm gì? Ông nói: “Tôi sẽ trả xong cho Đức Giê-hô-va các sự tôi hứa-nguyện” (Thi 116:3, 4, 8, 10-14). Ông quyết tâm giữ mọi lời hứa trang trọng với Đức Giê-hô-va và chu toàn tất cả các bổn phận đối với Ngài.

Bạn cũng có thể làm thế. Bằng cách nào? Bằng cách luôn sống phù hợp với luật pháp và nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Vì thế, hãy chắc chắn rằng sự thờ phượng Đức Giê-hô-va luôn là điều quan trọng nhất trong đời sống bạn (Truyền 12:13). Cũng hãy chắc chắn bạn để thánh linh Ngài hướng dẫn mọi điều mình làm (Ga 5:16-18). Dĩ nhiên, trên thực tế bạn không bao giờ báo đáp được hết mọi điều Ngài đã làm cho bạn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn “vui lòng” khi thấy bạn hết lòng, hết sức phụng sự Ngài (Châm 27:11). Quả là một đặc ân tuyệt diệu khi làm Đức Giê-hô-va vui lòng qua cách đó!

Góp phần vào sự vững mạnh của hội thánh

Chắc chắn, bạn đồng ý rằng mình đã nhận được lợi ích từ hội thánh qua nhiều cách. Qua hội thánh, Đức Giê-hô-va cung cấp dư dật thức ăn thiêng liêng. Nhờ thế, bạn nhận được lẽ thật giúp bạn thoát khỏi giáo lý sai lầm và sự tối tăm về thiêng liêng (Giăng 8:32). Tại các buổi nhóm họp và hội nghị do “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” sắp đặt, bạn nhận được sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời trong địa đàng, nơi không có bệnh tật và đau khổ (Mat 24:45-47). Hẳn là bạn sẽ không bao giờ đếm hết những lợi ích mà mình đã và sẽ nhận được qua hội thánh của Đức Chúa Trời phải không? Vậy, bạn có thể làm gì cho hội thánh?

Sứ đồ Phao-lô viết: “Cả thân-thể ràng-buộc vững-bền bởi những cái lắt-léo, khiến các phần giao-thông với nhau, tùy lượng sức-mạnh của từng phần, làm cho thân-thể lớn lên, và tự gây-dựng trong sự yêu-thương” (Ê-phê 4:15, 16). Dù câu Kinh Thánh này chủ yếu áp dụng cho toàn thể tín đồ đấng Christ được xức dầu, nhưng nguyên tắc trong câu đó cũng có thể áp dụng cho tất cả tín đồ Đấng Christ thời nay. Thật vậy, mỗi thành viên đều có thể góp phần vào sự lớn mạnh của hội thánh. Qua những cách nào?

Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách luôn cố gắng là nguồn khích lệ và “xây dựng” người khác (Rô 14:19, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Chúng ta cũng có thể góp phần “làm cho thân-thể lớn lên” qua việc luôn đối xử với các anh chị trong hội thánh phù hợp với trái thánh linh (Ga 5:22). Hơn nữa, chúng ta có thể tìm cơ hội “làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin” (Ga 6:10; Hê 13:16). Mọi người trong hội thánh—cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ—có thể góp phần ‘gây-dựng thân thể trong sự yêu thương’.

Ngoài ra, chúng ta có thể dùng tài năng, sức lực, vật chất để góp phần vào công việc cứu người mà hội thánh đang thi hành. Chúa Giê-su đã phán: “Các ngươi đã được lãnh không”. Chúng ta nên đáp ứng thế nào? Ngài nói: “Hãy cho không” (Mat 10:8). Vì vậy, hãy tham gia trọn vẹn vào công việc trọng yếu là rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Mat 24:14; 28:19, 20). Bạn có bị giới hạn khi thi hành công việc này không? Hãy nhớ đến bà góa nghèo mà Chúa Giê-su đã đề cập. Những gì bà dâng thì rất ít. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói rằng bà đã dâng nhiều hơn mọi người khác. Bà đã dâng tất cả những gì mà hoàn cảnh cho phép.—2 Cô 8:1-5, 12.

Có thái độ đúng khi nhận

Thế nhưng, có lẽ bạn sẽ cần đến sự hỗ trợ của hội thánh. Khi đương đầu với những áp lực trong hệ thống này, bạn đừng ngần ngại nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ hội thánh. Đức Giê-hô-va đã ban những anh hội đủ điều kiện và có lòng quan tâm để “chăn Hội-thánh” nhằm giúp bạn khi gặp thử thách, hoạn nạn (Công 20:28). Các trưởng lão cũng như những anh em trong hội thánh muốn an ủi, hỗ trợ và che chở bạn trong những lúc khó khăn.—Ga 6:2; 1 Tê 5:14.

Tuy nhiên, bạn hãy có thái độ đúng khi nhận sự giúp đỡ cần thiết và luôn thể hiện lòng biết ơn. Hãy xem những sự giúp đỡ ấy từ các anh em đồng đạo là cách Đức Chúa Trời thể hiện ơn hay ân điển của Ngài (1 Phi 4:10). Tại sao điều đó là quan trọng? Vì chúng ta không muốn có thái độ giống nhiều người thế gian thường biểu lộ, đó là sự vô ơn.

Hãy thăng bằng và phải lẽ

Trong thư gửi hội thánh Phi-líp, Phao-lô viết về Ti-mô-thê: “Tôi không có ai như người đồng-tình với tôi để thật lòng lo về việc anh em”. Tuy nhiên, sau đó Phao-lô nói thêm: “Ai nấy đều tìm lợi riêng của mình, chớ không tìm của Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 2:20, 21). Ghi nhớ lời nhận xét quan trọng này của Phao-lô, ngày nay, làm thế nào chúng ta có thể tránh việc quá bận tâm “tìm lợi riêng của mình”?

Khi xin người khác trong hội thánh quan tâm và dành thời gian để giúp giải quyết các vấn đề cá nhân, chúng ta không nên đòi hỏi quá đáng. Tại sao thế? Hãy suy nghĩ: Chắc chắn, chúng ta sẽ vô cùng biết ơn nếu một anh đã hỗ trợ chúng ta về vật chất để đối phó với hoàn cảnh bất ngờ. Nhưng hẳn chúng ta sẽ không bao giờ đòi hỏi anh giúp chúng ta về vật chất, phải không? Chắc chắn không. Tương tự thế, dù anh em thân yêu luôn vui lòng giúp đỡ, nhưng chúng ta cần thăng bằng và phải lẽ để không đòi hỏi họ dành quá nhiều thời gian cho mình. Suy cho cùng, dù anh em đồng đạo làm gì để giúp chúng ta đương đầu với khó khăn, chúng ta muốn họ làm điều đó với tinh thần tự nguyện.

Chắc chắn, các anh chị đồng đạo luôn sẵn sàng và vui lòng hỗ trợ bạn. Tuy nhiên, đôi khi họ sẽ không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu của bạn. Trong trường hợp đó, hãy tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ nâng đỡ bạn trong mọi thử thách mà bạn gặp, như Ngài đã làm với người viết Thi-thiên.—Thi 116:1, 2; Phi-líp 4:10-13.

Vậy, đừng ngần ngại đón nhận với lòng biết ơn bất cứ sự cung cấp nào mà Đức Giê-hô-va ban cho—đặc biệt trong những lúc bạn gặp vấn đề và khốn khổ (Thi 55:22). Ngài muốn bạn làm thế. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn bạn “dâng của cách vui lòng”. Vì vậy, tùy hoàn cảnh cho phép, hãy cố gắng “theo lòng mình đã định” mà ban cho nhằm ủng hộ sự thờ phượng thật (2 Cô 9:6, 7). Như thế, bạn sẽ làm được hai điều: biết ơn khi nhận và hết lòng ban cho.

[Khung/​Các hình nơi trang 31]

“Tôi sẽ lấy gì báo đáp Đức Giê-hô-va về các ơn-lành mà Ngài đã làm cho tôi?”—Thi 116:12

▪ Tìm cơ hội “làm điều thiện cho mọi người”

▪ Hãy là nguồn khích lệ và xây dựng người khác về thiêng liêng

▪ Tham gia trọn vẹn vào công việc đào tạo môn đồ phù hợp với hoàn cảnh