Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kho báu giấu kín hàng thế kỷ

Kho báu giấu kín hàng thế kỷ

Vị học giả không thể tin vào mắt mình. Ông chăm chú xem đi xem lại mảnh văn bản cổ. Nét chữ đẹp và ngữ pháp trong đó khiến ông tin chắc mình đã xem các mảnh xưa nhất của bản dịch Kinh Thánh tiếng Georgia!

Kho báu này được khám phá vào cuối tháng 12-1922, khi học giả Ivané Javakhishvili, người Georgia, đang nghiên cứu cách lập ra bảng chữ cái Georgia. Ông thấy một bản kinh Talmud từ Giê-ru-sa-lem. Khi kiểm tra, ông thấy từ Hê-bơ-rơ được viết chồng lên vài từ Georgia chưa bị xóa hết *.

Những từ “giấu kín” trong kinh Talmud là bản sao của một phần sách Giê-rê-mi trong Kinh Thánh, có từ thế kỷ thứ năm công nguyên (CN). Trước khi có cuộc khám phá này, các bản Kinh Thánh chép tay Georgia xưa nhất là từ thế kỷ thứ chín CN. Không lâu sau, người ta tìm thấy những phần khác của Kinh Thánh có từ thế kỷ thứ năm CN hoặc trước đó. Hãy hình dung việc tìm ra các phần Kinh Thánh cổ gần thời của Chúa Giê-su và các sứ đồ!

Ai dịch các phần này? Ðây có phải là công việc của một người hoặc một nhóm dịch giả tận tụy? Cho đến nay, không tài liệu lịch sử nào cho biết câu trả lời. Dù trường hợp nào đi nữa, rõ ràng Kinh Thánh, hoặc ít nhất một số phần trong đó, đã được dịch sang tiếng Georgia ngay từ thế kỷ thứ tư, và kể từ lúc đó Lời Ðức Chúa Trời đã có hoặc được người Georgia biết đến bằng tiếng mẹ đẻ.

Sách The Martyrdom of St. Shushanik the Queen, rất có thể được viết vào cuối thế kỷ thứ năm, cho thấy tầm mức người Georgia quen thuộc với Kinh Thánh. Kể về câu chuyện bi thảm của hoàng hậu, tác giả trích dẫn và đề cập đến những câu trong bài Thi-thiên, các Phúc âm và những sách khác của Kinh Thánh. Ông cũng kể về Varsken, chồng bà Shushanik, tổng đốc vương quốc Kartli thuộc nước Georgia. Ðể nhượng bộ các lãnh chúa Ba Tư, ông này đã bỏ Ki-tô giáo và cải sang Hỏa giáo Ba Tư, rồi buộc vợ cũng làm thế. Theo sách này, bà không chịu bỏ niềm tin của mình và tìm được an ủi từ Kinh Thánh trước khi bị giết.

 Từ thế kỷ thứ năm, rõ ràng việc dịch thuật và sao chép Kinh Thánh tiếng Georgia chưa kết thúc. Số lượng lớn bản Kinh Thánh chép tay tiếng Georgia chứng thực công sức của những người sao chép và dịch giả tận tâm. Chúng ta hãy xem hai yếu tố về câu chuyện hấp dẫn này—việc dịch và in Kinh Thánh.

BÙNG NỔ VIỆC DỊCH KINH THÁNH

“Tôi là Giorgi, một tu sĩ tầm thường, đã dồn hết tâm huyết để dịch sách Thi-thiên từ tiếng Hy Lạp hiện đại sang tiếng Georgia”. Ðó là lời của tu sĩ Giorgi Mtatsmindeli, người Georgia, sống vào thế kỷ 11. Vậy, tại sao phải dịch Kinh Thánh khi bản dịch tiếng Georgia đã có trong vài thế kỷ?

Ðến thế kỷ 11, chỉ còn vài bản Kinh Thánh chép tay đầu tiên bằng tiếng Georgia. Một số phần Kinh Thánh thất lạc. Hơn nữa, ngôn ngữ có phần thay đổi, nên độc giả khó hiểu khi đọc các bản ấy. Dù một số dịch giả cố gắng khôi phục bản Kinh Thánh tiếng Georgia, nhưng ông Giorgi đóng vai trò quan trọng nhất. Ông đối chiếu các bản dịch tiếng Georgia với những bản chép tay tiếng Hy Lạp, rồi dịch những phần còn thiếu, thậm chí một số sách trong Kinh Thánh. Ban ngày, ông đảm nhiệm công việc người đứng đầu tu viện, ban đêm thì dịch Kinh Thánh.

Hơn nữa, ông Ephrem Mtsire, người cùng thời ông với Giorgi, không chỉ làm công việc dịch thuật mà còn viết ra một cẩm nang cho các dịch giả. Trong đó gồm những quy tắc cơ bản về dịch thuật, như dịch từ nguyên ngữ mỗi khi có thể, vừa theo sát bản gốc vừa giữ sự tự nhiên. Ông cũng giới thiệu việc đặt thêm chú thích và phần tham khảo bên lề các bản dịch Georgia. Ông Ephrem đã dịch lại một số sách trong Kinh Thánh. Công trình của ông Giorgi và Ephrem đã lập nền tảng vững chắc cho việc dịch thuật sau này.

Trong thế kỷ tiếp theo, việc xuất bản sách nói chung nở rộ ở Georgia. Học viện được thành lập ở thị trấn Gelati và Ikalto. Hầu hết các học giả tin cái được gọi là Kinh Thánh Gelati (Gelati Bible), hiện đang được giữ ở trung tâm quốc gia Georgia lưu trữ các bản chép tay, là bản dịch Kinh Thánh hoàn toàn mới do một học giả đã học ở Gelati hoặc Ikalto dịch.

Công việc dịch Kinh Thánh này tác động thế nào đến người Georgia? Vào thế kỷ 12, thi sĩ người Georgia tên Shota Rustaveli đã viết cuốn Vepkhis-tqaosani (Hiệp sĩ da báo). Qua nhiều thế kỷ, tác phẩm này gây ảnh hưởng đến mức được gọi là Kinh Thánh thứ hai của người Georgia. Học giả cận đại người Georgia tên K. Kekelidze cho biết, không biết thi sĩ này có trích dẫn trực tiếp từ Kinh Thánh hay không, nhưng “một số quan điểm của ông được thấy rõ là đến từ Kinh  Thánh”. Dù mang tính tiểu thuyết cao nhưng tác phẩm này thường viết về những đề tài như tình bạn chân thật, lòng rộng rãi, tôn trọng phụ nữ và tình yêu thương bất vị kỷ đối với người lạ. Những tiêu chuẩn đạo đức này và các tiêu chuẩn khác của Kinh Thánh đóng vai trò quan trọng trong tâm tư của người Georgia qua nhiều thế hệ. Ðến nay, chúng vẫn được xem là chuẩn mực đạo đức của họ.

IN ẤN KINH THÁNH—CÔNG VIỆC CỦA HOÀNG GIA

Cuối thế kỷ 17, hoàng gia Georgia rất muốn in ra Kinh Thánh. Vì thế, vua Vakhtang VI đã xây một xưởng in trong thủ đô Tbilisi. Tuy nhiên, Kinh Thánh chưa sẵn sàng để in. Theo một nghĩa nào đó, Kinh Thánh Georgia lại bị giấu kín. Chỉ có các bản chép tay không đầy đủ của một số phần Kinh Thánh, và ngôn ngữ chưa cập nhật. Việc hiệu đính và lưu trữ Kinh Thánh được giao cho ông Sulkhan-Saba Orbeliani, một chuyên gia ngôn ngữ.

Ông Orbeliani tận tình bắt tay vào công việc này. Nhờ biết một số ngôn ngữ, gồm tiếng Hy Lạp và La-tinh, ông có thể tra cứu các nguồn tài liệu Kinh Thánh ngoài các bản chép tay Kinh Thánh Georgia. Tuy nhiên, phương cách làm việc phóng khoáng của ông khiến Giáo hội Chính Thống không hài lòng. Hàng giáo phẩm buộc tội ông phản bội giáo hội, thuyết phục nhà vua không cho ông dịch Kinh Thánh. Theo một số tài liệu của người Georgia, tại công đồng giáo hội, hàng giáo phẩm buộc ông Orbeliani phải đốt Kinh Thánh mà ông đã bỏ công ra dịch trong nhiều năm!

Ðiều đáng chú ý là một bản sao của bản chép tay tên Mtskheta (Mcxeta), cũng được gọi là Kinh Thánh Saba (Saba’s Bible), tồn tại đến ngày nay, có lời nhận xét viết tay của ông Orbeliani. Tuy nhiên, một số người nghi ngờ, không biết đây có phải là cuốn Kinh Thánh mà hàng giáo phẩm đã phản đối hay không. Người ta chỉ chắc chắn phần phụ lục là của ông.

Dù gặp nhiều thử thách nhưng việc in Kinh Thánh vẫn là mối quan tâm hàng đầu của hoàng gia. Từ năm 1705 đến 1711, một số phần Kinh Thánh đã được in. Nhờ nỗ lực của hai hoàng tử Georgia là Bakari và Vakhushti, toàn bộ Kinh Thánh đã in xong năm 1743. Thế là sách này không thể bị giấu kín nữa.

^ đ. 3 Thời xưa, vật liệu dùng để viết thì khan hiếm và đắt tiền. Thế nên, người ta thường cạo chữ từ bản chép tay cũ, rồi dùng lại vật liệu ấy để viết chữ mới. Người ta gọi các bản chép tay như thế là bản palimpsest, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “được cạo lại”.