Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết?

Bạn có biết?

Tại sao Giô-sép cạo mặt trước khi diện kiến vua Pha-ra-ôn?

Bức tranh trên tường của Ai Cập cổ đại mô tả thợ cắt tóc đang làm việc

Theo lời tường thuật trong sách Sáng-thế Ký của Kinh Thánh, Pha-ra-ôn ra lệnh gấp rút mang tù nhân người Hê-bơ-rơ là Giô-sép đến để giải nghĩa về những giấc mơ khiến vua lo lắng. Cho đến lúc đó, Giô-sép đã ở trong tù nhiều năm. Dù lệnh triệu tập của Pha-ra-ôn rất khẩn cấp, Giô-sép vẫn dành thời gian để cạo mặt mày (Sáng-thế Ký 39:20-23; 41:1, 14). Việc người viết Kinh Thánh nhắc đến chi tiết có vẻ không hề quan trọng này cho thấy rằng ông quen thuộc với các phong tục của Ai Cập.

Đối với nhiều dân tộc thời xưa, trong đó có người Hê-bơ-rơ, thì việc để râu là điều bình thường. Trái lại, Bách khoa tự điển văn chương Kinh Thánh, thần học và giáo hội (Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature) của hai tác giả McClintock và Strong viết: “Ai Cập cổ đại là dân tộc Đông Phương duy nhất không chấp nhận việc để râu”.

Có phải phong tục ấy chỉ giới hạn ở việc cạo râu không? Tạp chí khảo cổ về Kinh Thánh (Biblical Archaeology Review) cho rằng đối với một số nghi thức theo phong tục Ai Cập, khi đến diện kiến vua Pha-ra-ôn, một người phải chỉnh tề như khi đi vào đền thờ. Trong trường hợp này, Giô-sép sẽ phải cạo toàn thân.

Lời tường thuật trong sách Công vụ nói rằng cha của Ti-mô-thê là người Hy Lạp. Phải chăng điều này có nghĩa ông ấy là người gốc Hy Lạp?

Không nhất thiết. Trong các lá thư được Đức Chúa Trời hướng dẫn, sứ đồ Phao-lô thỉnh thoảng cho thấy sự tương phản giữa người Do Thái và người Hy Lạp, như thể ông dùng từ “người Hy Lạp” để ám chỉ đến tất cả những dân tộc không phải là Do Thái (Rô-ma 1:​16; 10:12). Một lý do hẳn là vì ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp được phổ biến rộng rãi ở khắp các vùng mà Phao-lô truyền giáo.

Những người thời xưa xem ai là người Hy Lạp? Vào thế kỷ thứ tư trước công nguyên, nhà hùng biện ở thành A-thên là Isocrates đã tự hào nói về cách mà văn hóa Hy Lạp được truyền bá trên thế giới. Ông cho biết kết quả: “Ngoài những người có gốc Hy Lạp, thì những người được hưởng nền giáo dục của chúng ta cũng được gọi là người Hy Lạp”. Vì vậy, dù không chắc chắn nhưng có thể cha của Ti-mô-thê cùng những người mà Phao-lô gọi là người Hy Lạp là những người Hy Lạp theo văn hóa chứ không theo huyết thống.​—Công vụ 16:1.