Đi đến nội dung

NGÀY 12-12-2019
HÀN QUỐC

Câu chuyện chưa được biết đến về Nhân Chứng ở Hàn Quốc được kể lại tại Bảo tàng Quốc gia

Câu chuyện chưa được biết đến về Nhân Chứng ở Hàn Quốc được kể lại tại Bảo tàng Quốc gia

Một phần lịch sử ít được biết đến về Nhân Chứng Giê-hô-va đang được triển lãm tại Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia về việc cưỡng chế gia nhập quân đội dưới thời Nhật Bản đô hộ. Bảo tàng này tọa lạc tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Hàn Quốc. Cuộc triển lãm đặc biệt này có chủ đề “Lịch sử biến chuyển, lập trường không lay chuyển”, diễn ra từ ngày 12-11-2019 và kết thúc vào ngày 13-12-2019. Cuộc triển lãm cho thấy lập trường trung lập của Nhân Chứng ở Hàn Quốc từ cách đây hơn 80 năm dưới thời Nhật Bản đô hộ và sự đàn áp mà đế quốc này gây ra.

Một cuộc triển lãm tương tự đã được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2019 tại Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun a ở Seoul. Cuộc triển lãm thu hút tổng cộng 51.175 khách đến tham quan, trong đó có 5.700 anh chị chúng ta là đại biểu tham dự hội nghị quốc tế ở Seoul.

Biến cố Deungdaesa xảy ra khi Nhân Chứng Giê-hô-va cùng những người chú ý đến thông điệp Kinh Thánh bị bắt giữ và bỏ tù từ tháng 6 năm 1939 đến tháng 8 năm 1945. Họ bị bỏ tù do từ chối tôn thờ hoàng đế và bị cáo buộc tuyên truyền phản đối chiến tranh. Sáu mươi sáu người đã bị bắt giữ, chiếm gần hết số Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hàn Quốc lúc bấy giờ. Những người bị bỏ tù đã bị thẩm vấn và tra tấn dã man. Sáu Nhân Chứng đã chết vì mắc bệnh do điều kiện nhà tù khắc nghiệt.

Anh Hong Dae-il, thuộc Bộ phận Thông tin Truyền thông tại Hàn Quốc, cho biết: “Nhiều người Hàn Quốc không biết rằng việc ngược đãi những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm đã bắt đầu từ cách đây 80 năm trước dưới thời Nhật Bản đô hộ. Cuộc triển lãm đặc biệt này là một dịp đầy ý nghĩa để kể lại sự kiện chưa từng được biết đến trước đó”.

Giáo sư Han Hong-gu, một nhà sử học đã tham dự buổi lễ khai mạc, nói về các Nhân Chứng đã từ chối thỏa hiệp đức tin của mình như sau: “Tôi nghĩ họ là gương mẫu xuất sắc về việc làm theo lương tâm và kiên định với niềm tin của mình... Vì xã hội của chúng ta ngày càng tôn trọng những người hành động dựa trên lương tâm nên các Nhân Chứng ấy là những người đầu tiên mà chúng ta nên nhớ đến”.

Cuộc triển lãm đã thu hút được sự chú ý của các nhà sử học và giới truyền thông, qua đó giúp cho nhiều người được biết về câu chuyện lịch sử của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Đây là đề tài ngày càng được nhiều người quan tâm trong hơn một năm qua ở Hàn Quốc. Vào ngày 28-6-2018, Tòa án Hiến pháp đã công bố rằng việc Hàn Quốc không có các hình thức nghĩa vụ thay thế là không phù hợp với Hiến pháp. Chỉ bốn tháng sau, vào ngày 1 tháng 11, Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết rằng việc từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm không phải là một tội. Những quyết định mang tính pháp lý này đã dẫn đến sự kiện các anh bị cầm tù do từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm ở Hàn Quốc được trả tự do. Những phán quyết này cũng mở đường cho việc lập ra những luật lệ về nghĩa vụ dân sự thay thế.

Đức tin mạnh mẽ và lòng can đảm không lay chuyển của các anh chị ở Hàn Quốc trong quá khứ được kể lại tại cuộc triển lãm nhắc chúng ta nhớ đến những lời trấn an sau: “Đức Giê-hô-va đứng về phía tôi, tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?”.—Thi thiên 118:6.

a Trước khi trở thành Bảo tàng Lịch sử, nhà tù này từng là nơi giam giữ những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm trong thập niên 1960 đến 1980 và cũng là nơi giam giữ các Nhân Chứng Giê-hô-va dưới thời Nhật Bản đô hộ.

 

Bảo tàng Lịch sử Nhà tù Seodaemun tại Seoul, Hàn Quốc. Đây là nơi tổ chức cuộc triển lãm lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2019

Một nhóm học sinh đứng bên ngoài bảo tàng nơi diễn ra cuộc triển lãm Biến cố Deungdaesa, có tổng cộng 51.175 khách đến tham quan

Một góc của cuộc triển lãm tái hiện mô hình tháp canh đã được sử dụng trong nhà tù này

Một buồng giam với mô hình năm tù nhân cho thấy điều kiện nhà tù chật hẹp mà các Nhân Chứng bị giam giữ phải chịu đựng

Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia về việc cưỡng chế gia nhập quân đội dưới thời Nhật Bản đô hộ tọa lạc tại Busan, nơi hiện đang tổ chức cuộc triển lãm

Phần cuối của cuộc triển lãm là một bức tường trưng bày ảnh chân dung, nói lên câu chuyện của một vài người trong số 66 Nhân Chứng từng bị ngược đãi vì giữ lập trường trung lập