Đi đến nội dung

Những người nữ trong Kinh Thánh​—Chúng ta học được gì từ họ?

Những người nữ trong Kinh Thánh​—Chúng ta học được gì từ họ?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Kinh Thánh tường thuật về nhiều người nữ mà cuộc đời của họ dạy chúng ta những bài học quý giá (Rô-ma 15:4; 2 Ti-mô-thê 3:16, 17). Bài này miêu tả ngắn gọn về một số người nữ được đề cập trong Kinh Thánh. Nhiều người nữ là gương xuất sắc để chúng ta noi theo, còn số khác là gương cảnh báo cho chúng ta.​—1 Cô-rinh-tô 10:11; Hê-bơ-rơ 6:12.

  A-bi-ga-in

 A-bi-ga-in là ai? Cô là vợ của Na-banh, một người đàn ông giàu có nhưng khắc nghiệt. A-bi-ga-in là người phụ nữ khôn khéo và khiêm nhường, cô rất xinh đẹp và có những phẩm chất làm hài lòng Đức Giê-hô-va.—1 Sa-mu-ên 25:3.

 Cô đã làm gì? A-bi-ga-in hành động với sự khôn ngoan và thông sáng để tránh tai họa. Cô và Na-banh sống trong vùng mà vị vua tương lai của Y-sơ-ra-ên là Đa-vít đang sống khi chạy trốn kẻ thù. Trong thời gian ở đó, Đa-vít và người của ông đã bảo vệ các bầy cừu của Na-banh khỏi kẻ cướp. Nhưng khi những người mà Đa-vít sai đi xin Na-banh ít đồ ăn thì Na-banh xấc xược từ chối. Đa-vít vô cùng tức giận! Vì thế, ông và người của ông đi ra để giết Na-banh và toàn bộ người nhà của hắn.—1 Sa-mu-ên 25:10-12, 22.

 A-bi-ga-in nhanh chóng hành động khi nghe về điều mà chồng mình đã làm. Cô đưa cho các tôi tớ rất nhiều đồ ăn để mang đến cho Đa-vít và người của ông, còn cô thì theo sau để nài xin ông thương xót (1 Sa-mu-ên 25:14-19, 24-31). Khi thấy món quà và sự khiêm nhường của A-bi-ga-in cũng như nghe lời khuyên khôn ngoan của cô, Đa-vít nhận ra Đức Chúa Trời đã dùng cô để ngăn ông khỏi tội đổ máu (1 Sa-mu-ên 25:32, 33). Ít lâu sau, Na-banh chết và A-bi-ga-in trở thành vợ Đa-vít.—1 Sa-mu-ên 25:37-41.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ A-bi-ga-in? Dù xinh đẹp và giàu sang nhưng A-bi-ga-in có quan điểm thăng bằng về chính mình. Để giữ hòa khí, cô sẵn sàng nhận lỗi về điều mà mình không gây ra. Cô làm cho tình thế căng thẳng dịu xuống và làm vậy một cách can đảm và khôn khéo.

  Cô gái Su-lam

 Cô gái Su-lam là ai? Cô là một thôn nữ xinh đẹp và là nhân vật chính trong một sách Kinh Thánh gọi là Nhã ca. Kinh Thánh không cho biết tên cô.

 Cô đã làm gì? Thiếu nữ Su-lam giữ lòng chung thủy với chàng chăn cừu mà cô yêu (Nhã ca 2:16). Tuy nhiên, vẻ đẹp diễm kiều của cô đã lọt vào mắt xanh của vị vua Sa-lô-môn giàu có, là người cố gắng chinh phục trái tim cô (Nhã ca 7:6). Dù những người khác khuyên cô chọn Sa-lô-môn nhưng cô gái Su-lam đã từ chối. Cô yêu chàng chăn cừu bình dị và chung thủy với chàng.—Nhã ca 3:5; 7:10; 8:6.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ cô gái Su-lam? Dù xinh đẹp và được người khác để ý nhưng cô vẫn giữ cái nhìn khiêm tốn về bản thân. Cô không để cho tình cảm của mình bị lung lay bởi áp lực của bạn bè hoặc lời hứa hẹn về danh vọng và sự giàu sang. Cô luôn kiềm chế cảm xúc và giữ sự trong trắng về đạo đức.

  Đa-li-la

 Đa-li-la là ai? Cô là người nữ mà quan xét của Y-sơ-ra-ên là Sam-sôn đem lòng yêu.—Quan xét 16:4, 5.

 Cô đã làm gì? Cô nhận tiền từ các quan chức Phi-li-tia để phản bội Sam-sôn, người mà Đức Chúa Trời dùng để giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi người Phi-li-tia. Người Phi-li-tia không thể khống chế Sam-sôn vì ông có sức mạnh phi thường (Quan xét 13:5). Do đó, các quan chức ấy tìm kiếm sự trợ giúp từ Đa-li-la.

 Người Phi-li-tia đã mua chuộc Đa-li-la để tìm ra lý do Sam-sôn có sức mạnh phi thường. Đa-li-la nhận tiền và sau nhiều lần nỗ lực, cô đã tìm ra bí mật của Sam-sôn (Quan xét 16:15-17). Sau đó, cô cho người Phi-li-tia biết bí mật ấy, rồi họ bắt và tống Sam-sôn vào tù.—Quan xét 16:18-21.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Đa-li-la? Đa-li-la là một gương cảnh báo. Vì tham tiền, cô đã đối xử gian trá, bội bạc và ích kỷ với tôi tớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

  Đê-bô-ra

 Đê-bô-ra là ai? Bà là nữ tiên tri được Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, Đức Giê-hô-va, dùng để tiết lộ ý muốn của ngài về những vấn đề ảnh hưởng đến dân ngài. Đức Chúa Trời cũng dùng bà để giúp giải quyết các vấn đề trong vòng dân Y-sơ-ra-ên.​—Quan xét 4:4, 5.

 Bà đã làm gì? Nữ tiên tri Đê-bô-ra can đảm ủng hộ những người thờ phượng Đức Chúa Trời. Theo sự chỉ dẫn của ngài, bà cho gọi Ba-rác đến để lãnh đạo đội quân Y-sơ-ra-ên chống lại những kẻ áp bức là người Ca-na-an (Quan xét 4:6, 7). Khi Ba-rác đề nghị Đê-bô-ra đi cùng, bà không từ chối vì sợ hãi mà sẵn sàng đi.—Quan xét 4:8, 9.

 Sau khi Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng quyết định, Đê-bô-ra sáng tác ít nhất một phần của bài hát mà bà và Ba-rác đã hát để mừng chiến thắng đó. Trong bài hát ấy, bà đề cập đến vai trò của Gia-ên, một người nữ can đảm khác đã góp phần vào cuộc đánh bại dân Ca-na-an.—Quan xét chương 5.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Đê-bô-ra? Đê-bô-ra là người can đảm và có tinh thần hy sinh bất vị kỷ. Bà khuyến khích người khác làm điều đúng trong mắt Đức Chúa Trời. Khi họ làm thế, bà hết lòng khen về điều họ làm.

  Ê-va

 Ê-va là ai? Bà là người nữ đầu tiên trên đất và cũng là người nữ đầu tiên được đề cập trong Kinh Thánh.

 Bà đã làm gì? Ê-va cãi lại mệnh lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời. Như chồng là A-đam, bà được tạo ra là người hoàn hảo với tự do ý chí và khả năng vun trồng các phẩm chất tin kính như tình yêu thương và sự khôn ngoan (Sáng thế 1:27). Ê-va biết Đức Chúa Trời đã phán với A-đam rằng nếu ăn trái của một cây, họ sẽ chết. Tuy nhiên, bà đã bị lừa để tin rằng bà sẽ không chết khi làm thế. Thật vậy, bà đã bị lừa để tin rằng đời sống bà sẽ tốt hơn nếu bất tuân với Đức Chúa Trời. Vì thế, bà đã ăn trái cây đó, rồi xúi giục chồng cùng ăn.​—Sáng thế 3:1-6; 1 Ti-mô-thê 2:14.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ê-va? Ê-va là gương cảnh báo về mối nguy hiểm của việc nuôi dưỡng ham muốn sai trái. Bà đã nảy sinh ham muốn lấy thứ không thuộc về mình, và điều này ngược lại mệnh lệnh rõ ràng của Đức Chúa Trời.​—Sáng thế 3:6; 1 Giăng 2:16.

  Ê-xơ-tê

 Ê-xơ-tê là ai? Bà là người Do Thái được vua A-suê-ru của Ba Tư chọn làm hoàng hậu.

 Bà đã làm gì? Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã dùng tầm ảnh hưởng của mình để ngăn chặn âm mưu tuyệt diệt dân mình. Bà nghe rằng có một lệnh chính thức đã được ban ra, là vào một ngày ấn định tất cả người Do Thái sống trong đế quốc Ba Tư sẽ bị giết. Âm mưu tàn ác này là do Ha-man, quan cao nhất trong triều, khởi xướng (Ê-xơ-tê 3:13-15; 4:1, 5). Với sự giúp đỡ của anh họ là Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê đã liều mạng tiết lộ âm mưu ấy cho chồng mình là vua A-suê-ru (Ê-xơ-tê 4:10-16; 7:1-10). Sau đó, A-suê-ru cho phép Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê ban một sắc lệnh khác, cho người Do Thái được quyền tự vệ. Cuối cùng người Do Thái đã đánh bại kẻ thù.—Ê-xơ-tê 8:5-11; 9:16, 17.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ê-xơ-tê? Hoàng hậu Ê-xơ-tê nêu gương xuất sắc về lòng can đảm, sự khiêm nhường và khiêm tốn (Thi thiên 31:24; Phi-líp 2:3). Dù xinh đẹp và có địa vị nhưng bà vẫn tìm kiếm lời khuyên và sự giúp đỡ. Bà nói chuyện với chồng một cách khéo léo và tôn trọng nhưng can đảm. Vào lúc dân Do Thái đang gặp nguy hiểm, bà can đảm tiết lộ mình thuộc dân ấy.

  Gia-ên

 Gia-ên là ai? Bà là vợ của Hê-be, không phải người Y-sơ-ra-ên. Gia-ên đã can đảm đứng về phía dân Đức Chúa Trời.

 Bà đã làm gì? Gia-ên kiên quyết hành động khi Si-sê-ra, tướng đội quân Ca-na-an, đến lều của bà. Si-sê-ra đã thất trận trong cuộc chiến với dân Y-sơ-ra-ên và lúc này đang tìm nơi trú ẩn. Gia-ên mời ông vào lều của bà để trốn và nghỉ ngơi. Trong khi hắn ngủ, bà đã xử tử hắn.​—Quan xét 4:17-21.

 Hành động của Gia-ên làm ứng nghiệm lời tiên tri được phán qua Đê-bô-ra: “Đức Giê-hô-va sẽ phó Si-sê-ra vào tay một phụ nữ” (Quan xét 4:9). Vì vai trò của bà, Gia-ên được khen là “người nữ nhiều phước nhất”.—Quan xét 5:24.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Gia-ên? Gia-ên đã hành động một cách chủ động và can đảm. Kinh nghiệm của bà cho thấy cách Đức Chúa Trời lèo lái sự việc để làm ứng nghiệm lời tiên tri.

  Giê-xa-bên

 Giê-xa-bên là ai? Bà là vợ của A-háp, vua Y-sơ-ra-ên. Bà thuộc dân ngoại và không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, bà thờ thần của người Ca-na-an là Ba-anh.

 Bà đã làm gì? Hoàng hậu Giê-xa-bên là người độc đoán, tàn nhẫn và hung dữ. Bà đẩy mạnh việc thờ thần Ba-anh và sự gian dâm gắn liền với việc đó. Đồng thời, bà cố loại bỏ sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật là Đức Giê-hô-va.​—1 Các vua 18:4, 13; 19:1-3.

 Để thỏa mãn lòng ích kỷ của mình, Giê-xa-bên còn nói dối và giết người (1 Các vua 21:8-16). Như Đức Chúa Trời đã báo trước, bà chết một cách đau đớn và không được chôn cất.—1 Các vua 21:23; 2 Các vua 9:10, 32-37.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Giê-xa-bên? Giê-xa-bên là một gương cảnh báo. Bà bại hoại về đạo đức và vô liêm sỉ đến mức tên của bà trở thành một biểu tượng về người phụ nữ không biết xấu hổ, vô luân và lộng quyền.

  Ha-na

 Ha-na là ai? Cô là vợ của Ên-ca-na và là mẹ của Sa-mu-ên, người trở thành nhà tiên tri xuất chúng trong nước Y-sơ-ra-ên xưa.​—1 Sa-mu-ên 1:1, 2, 4-7.

 Cô đã làm gì? Khi bị hiếm muộn, Ha-na hướng đến Đức Chúa Trời để được an ủi. Chồng cô có hai vợ. Người vợ khác của ông là Phê-ni-na có con cái, nhưng rất lâu sau khi kết hôn, Ha-na vẫn chưa có con. Phê-ni-na đã nhẫn tâm chế nhạo Ha-na nhưng Ha-na cầu nguyện với Đức Chúa Trời để được an ủi. Cô lập lời hứa nguyện với Đức Chúa Trời rằng nếu ngài ban cho cô một con trai thì cô sẽ dâng con ấy cho ngài bằng cách cho con phụng sự trong lều thánh, một lều di động được dân Y-sơ-ra-ên dùng trong sự thờ phượng.—1 Sa-mu-ên 1:11.

 Đức Chúa Trời nhậm lời cầu nguyện của Ha-na, và cô đã sinh Sa-mu-ên. Ha-na giữ lời hứa nguyện và mang Sa-mu-ên đến phụng sự tại lều thánh khi Sa-mu-ên còn là cậu bé (1 Sa-mu-ên 1:27, 28). Năm nào cô cũng may một chiếc áo khoác không tay và mang đến cho con. Với thời gian, Đức Chúa Trời ban phước cho Ha-na và cô sinh thêm năm người con, ba trai và hai gái.—1 Sa-mu-ên 2:18-21.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ha-na? Những lời cầu nguyện từ đáy lòng của Ha-na đã giúp cô chịu đựng thử thách. Lời cầu nguyện với lòng biết ơn của Ha-na nơi 1 Sa-mu-ên 2:1-10 cho thấy cô có đức tin mạnh nơi Đức Chúa Trời.

  Lê-a

 Lê-a là ai? Cô là vợ cả của tộc trưởng Gia-cốp. Ra-chên, em gái cô, là vợ khác của ông.​—Sáng thế 29:20-29.

 Cô đã làm gì? Lê-a sinh cho Gia-cốp sáu người con trai (Ru-tơ 4:11). Gia-cốp muốn cưới Ra-chên, chứ không phải Lê-a. Nhưng La-ban, cha của họ, đã dàn xếp để Lê-a thay thế Ra-chên. Khi nhận ra mình bị lừa để cưới Lê-a, Gia-cốp nói chuyện thẳng thắn với La-ban. La-ban quả quyết rằng gả con gái nhỏ trước con gái lớn là không đúng theo phong tục. Một tuần sau, Gia-cốp cưới Ra-chên.​—Sáng thế 29:26-28.

 Gia-cốp yêu Ra-chên nhiều hơn Lê-a (Sáng thế 29:30). Vì thế, Lê-a ghen tị với em và ganh đua để được Gia-cốp yêu thương và quan tâm. Đức Chúa Trời để ý đến cảm xúc của Lê-a và ban phước nên cô sinh được bảy người con, sáu trai và một gái.​—Sáng thế 29:31.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Lê-a? Lê-a nương cậy nơi Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện và không để hoàn cảnh căng thẳng trong gia đình cản trở mình nhận ra sự trợ giúp của ngài (Sáng thế 29:32-35; 30:20). Câu chuyện về cuộc đời cô miêu tả chân thực những hậu quả của tục đa thê, sắp đặt mà Đức Chúa Trời cho phép trong một thời gian. Tiêu chuẩn của ngài về hôn nhân là một vợ một chồng.—Ma-thi-ơ 19:4-6.

  Ma-ri (chị em của Ma-thê và La-xa-rơ)

 Ma-ri là ai? Cũng như La-xa-rơ và Ma-thê, cô là bạn thân của Chúa Giê-su.

 Cô đã làm gì? Ma-ri nhiều lần tỏ lòng quý trọng với Chúa Giê-su vì ngài là Con Đức Chúa Trời. Cô bày tỏ đức tin rằng Chúa Giê-su có thể chữa lành bệnh cho La-xa-rơ để em cô không chết, và cô có mặt khi Chúa Giê-su làm ông sống lại. Chị gái là Ma-thê đã trách cô khi cô chọn ngồi nghe Chúa Giê-su thay vì giúp lo việc nấu nướng. Nhưng ngài khen cô vì ưu tiên cho điều thiêng liêng.—Lu-ca 10:38-42.

 Một lần khác, Ma-ri tỏ lòng hiếu khách theo cách đặc biệt đối với Chúa Giê-su qua việc đổ “dầu thơm đắt tiền” trên đầu và chân ngài (Ma-thi-ơ 26:6, 7). Những người có mặt cho rằng cô phí phạm. Nhưng Chúa Giê-su bênh vực cô khi nói: “Bất cứ nơi nào trên thế giới mà tin mừng [về Nước Đức Chúa Trời] được giảng ra, việc làm của người phụ nữ này cũng sẽ được thuật lại để nhớ đến người”.—Ma-thi-ơ 24:14; 26:8-13.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ma-ri? Ma-ri vun trồng đức tin vững chắc. Cô đặt việc thờ phượng Đức Chúa Trời lên trên những vấn đề trong đời sống. Cô khiêm nhường tôn kính Chúa Giê-su, dù tốn nhiều tiền bạc để làm thế.

  Ma-ri (mẹ Chúa Giê-su)

 Ma-ri là ai? Bà là một phụ nữ trẻ người Do Thái và là trinh nữ vào lúc sinh Chúa Giê-su. Bà được thụ thai con Đức Chúa Trời bằng phép lạ.

 Bà đã làm gì? Ma-ri khiêm nhường làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Bà đã đính hôn với Giô-sép khi một thiên sứ hiện ra với bà để báo rằng bà sẽ mang thai và sinh ra Đấng Mê-si được mong đợi từ lâu (Lu-ca 1:26-33). Bà sẵn lòng chấp nhận vai trò của mình. Sau khi Ma-ri sinh Chúa Giê-su, bà và Giô-sép có bốn con trai và ít nhất hai con gái. Vì thế, Ma-ri không phải đồng trinh mãi (Ma-thi-ơ 13:55, 56). Ma-ri nhận được đặc ân có một không hai nhưng không bao giờ tìm kiếm sự tôn kính và cũng chưa từng được đối xử đặc biệt, dù trong thời gian Chúa Giê-su làm thánh chức hay khi là một thành viên của hội thánh đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ma-ri? Ma-ri là một người nữ trung thành, sẵn lòng chấp nhận trọng trách. Bà có sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh. Dường như bà trích Kinh Thánh khoảng 20 lần khi nói những lời nơi Lu-ca 1:46-55.

  Ma-ri Ma-đơ-len

 Ma-ri Ma-đơ-len là ai? Bà là một môn đồ trung thành của Chúa Giê-su.

 Bà đã làm gì? Ma-ri Ma-đơ-len là một trong những phụ nữ cùng đi với Chúa Giê-su và các môn đồ. Bà rộng rãi dùng của cải mình để chăm lo cho nhu cầu của họ (Lu-ca 8:1-3). Bà theo Chúa Giê-su cho đến khi ngài kết thúc thánh chức và ở gần khi ngài bị xử tử. Bà có đặc ân là một trong những người đầu tiên thấy Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại.—Giăng 20:11-18.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ma-ri Ma-đơ-len? Bà rộng rãi ủng hộ thánh chức của Chúa Giê-su và luôn là một môn đồ tận tụy.

  Ma-thê

 Ma-thê là ai? Cô là chị của La-xa-rơ và Ma-ri, cả ba người sống ở làng Bê-tha-ni gần Giê-ru-sa-lem.

 Cô đã làm gì? Ma-thê là bạn thân của Chúa Giê-su, người “yêu thương Ma-thê cùng em gái của cô và La-xa-rơ” (Giăng 11:5). Cô là người phụ nữ hiếu khách. Vào một lần Chúa Giê-su đến thăm, Ma-ri chọn ngồi nghe Chúa Giê-su trong khi Ma-thê mải lo nấu nướng. Ma-thê phàn nàn với ngài rằng Ma-ri không giúp mình. Chúa Giê-su nhẹ nhàng sửa lại quan điểm của cô.—Lu-ca 10:38-42.

 Khi La-xa-rơ bị bệnh, Ma-thê và em cô đã cho người đi mời Chúa Giê-su đến, vì tin rằng ngài có thể chữa lành cho La-xa-rơ (Giăng 11:3, 21). Nhưng ông đã chết. Cuộc nói chuyện giữa Ma-thê với Chúa Giê-su cho thấy cô tin chắc nơi lời hứa của Kinh Thánh về sự sống lại và ngài có khả năng làm cho em cô sống lại.—Giăng 11:20-27.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ma-thê? Ma-thê siêng năng thể hiện lòng hiếu khách. Cô sẵn lòng chấp nhận lời khuyên. Cô cởi mở bày tỏ cảm xúc và đức tin.

  •  Để biết thêm về Ma-thê, xin xem bài “Tôi tin”.

  Mi-ri-am

 Mi-ri-am là ai? Bà là chị của Môi-se và A-rôn. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong Kinh Thánh được gọi là nữ tiên tri.

 Bà đã làm gì? Là một nữ tiên tri, bà có vai trò nói cho người khác biết thông điệp của Đức Chúa Trời. Bà có vị trí quan trọng trong dân Y-sơ-ra-ên và cùng những người nam hát bài ca chiến thắng sau khi Đức Chúa Trời hủy diệt đội quân Ai Cập trong Biển Đỏ.—Xuất Ai Cập 15:1, 20, 21.

 Một thời gian sau, Mi-ri-am và A-rôn chỉ trích Môi-se. Hẳn họ có thái độ đó là vì kiêu ngạo và ghen tị. Đức Chúa Trời “nghe họ nói” và đã nghiêm khắc khuyên Mi-ri-am cùng A-rôn (Dân số 12:1-9). Sau đó, ngài giáng bệnh phong cùi trên Mi-ri-am, hẳn vì bà là người chủ mưu vụ chỉ trích. Khi Môi-se nài xin Đức Chúa Trời thì ngài chữa lành cho bà. Sau bảy ngày cách ly, bà được phép vào lại trại của dân Y-sơ-ra-ên.—Dân số 12:10-15.

 Kinh Thánh cho biết Mi-ri-am chấp nhận sự sửa phạt. Nhiều thế kỷ sau, Đức Chúa Trời đề cập đến đặc ân có một không hai của bà khi nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên: “Ta... sai Môi-se, A-rôn và Mi-ri-am đi trước ngươi”.—Mi-chê 6:4.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Mi-ri-am? Câu chuyện của Mi-ri-am cho thấy Đức Chúa Trời chú ý đến những điều mà người thờ phượng ngài nói với nhau và nói về nhau. Chúng ta cũng học được rằng để làm hài lòng Đức Chúa Trời, chúng ta phải tránh kiêu ngạo và ghen tị, là những tính có thể khiến mình bôi nhọ danh tiếng của người khác.

  Ra-chên

 Ra-chên là ai? Cô là con gái của La-ban và là người vợ mà tộc trưởng Gia-cốp hết mực yêu thương.

 Cô đã làm gì? Ra-chên kết hôn với Gia-cốp và sinh cho ông hai con trai, họ nằm trong số tộc trưởng của 12 chi phái Y-sơ-ra-ên xưa. Ra-chên gặp chồng tương lai khi cô đang chăn đàn cừu của cha mình (Sáng thế 29:9, 10). So với chị mình là Lê-a, Ra-chên có “dung mạo diễm kiều”.—Sáng thế 29:17.

 Gia-cốp yêu Ra-chên, và ông đồng ý làm việc bảy năm để có thể cưới nàng (Sáng thế 29:18). Tuy nhiên, La-ban lừa gạt để Gia-cốp cưới Lê-a trước, rồi sau đó mới cho cưới Ra-chên.—Sáng thế 29:25-27.

 Gia-cốp yêu Ra-chên và hai con trai của cô nhiều hơn Lê-a cùng các con do cô sinh ra (Sáng thế 37:3; 44:20, 27-29). Vì thế, có sự ganh đua giữa hai người phụ nữ này.—Sáng thế 29:30; 30:1, 15.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ra-chên? Dù phải chịu hoàn cảnh căng thẳng trong gia đình nhưng Ra-chên vẫn hy vọng rằng Đức Chúa Trời sẽ nghe lời cầu nguyện của mình (Sáng thế 30:22-24). Câu chuyện của cô cho thấy tục đa thê đã gây khó khăn cho gia đình đến mức nào. Kinh nghiệm của Ra-chên cho thấy sự khôn ngoan trong tiêu chuẩn ban đầu của Đức Chúa Trời về hôn nhân, đó là một vợ một chồng.—Ma-thi-ơ 19:4-6.

  Ra-háp

 Ra-háp là ai? Cô là một kỹ nữ sống trong thành Giê-ri-cô thuộc xứ Ca-na-an và trở thành người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

 Cô đã làm gì? Ra-háp giấu hai người Y-sơ-ra-ên do thám xứ. Cô làm điều này vì nghe kể về cách Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, là Đức Giê-hô-va, đã giải cứu dân ngài khỏi Ai Cập và sau đó là khỏi cuộc tấn công của chi phái được gọi là dân A-mô-rít.

 Ra-háp giúp những người do thám ấy và nài xin họ tha cho cô cùng gia đình khi dân Y-sơ-ra-ên đến hủy diệt Giê-ri-cô. Họ đã đồng ý, nhưng với một số điều kiện: Cô phải giữ kín nhiệm vụ của họ, cô và gia đình phải ở trong nhà khi dân Y-sơ-ra-ên tấn công, đồng thời treo sợi dây thừng màu đỏ từ cửa sổ để họ nhận diện nhà của cô. Ra-háp làm theo mọi chỉ dẫn, rồi cô và gia đình sống sót khi dân Y-sơ-ra-ên chiếm lấy Giê-ri-cô.

 Sau này, Ra-háp kết hôn với một người Y-sơ-ra-ên và trở thành tổ mẫu của cả vua Đa-vít lẫn Chúa Giê-su Ki-tô.​—Giô-suê 2:1-24; 6:25; Ma-thi-ơ 1:5, 6, 16.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ra-háp? Kinh Thánh cho biết Ra-háp là gương nổi bật về đức tin (Hê-bơ-rơ 11:30, 31; Gia-cơ 2:25). Câu chuyện của cô cho thấy Đức Chúa Trời là đấng giàu lòng tha thứ và không thiên vị, ngài ban phước cho những người tin cậy ngài, bất kể trước đây họ có lối sống ra sao.

  Rê-bê-ca

 Rê-bê-ca là ai? Cô là vợ của Y-sác và là mẹ của Gia-cốp và Ê-sau, hai người con sinh đôi.

 Cô đã làm gì? Rê-bê-ca làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, ngay cả khi không dễ làm thế. Khi cô đang múc nước từ giếng lên, một người đàn ông xin cô cho nước uống. Rê-bê-ca liền mời ông uống nước và còn đề nghị lấy nước cho những con lạc đà của ông (Sáng thế 24:15-20). Người đàn ông đó là đầy tớ của Áp-ra-ham, và ông đã vượt chặng đường dài để tìm vợ cho Y-sác, con trai Áp-ra-ham (Sáng thế 24:2-4). Ông cũng cầu xin Đức Chúa Trời ban phước. Khi nhìn thấy sự siêng năng và lòng hiếu khách của Rê-bê-ca, ông nhận ra rằng Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của mình và cho ông thấy cô gái này chính là người mà ngài chọn cho Y-sác.—Sáng thế 24:10-14, 21, 27.

 Khi Rê-bê-ca biết được lý do người đầy tớ đó đến, cô đồng ý đi cùng ông và trở thành vợ của Y-sác (Sáng thế 24:57-59). Rồi Rê-bê-ca sinh đôi hai bé trai. Đức Chúa Trời tiết lộ cho cô biết rằng con trai lớn là Ê-sau sẽ hầu việc con trai nhỏ là Gia-cốp (Sáng thế 25:23). Khi Y-sác sắp đặt để ban phước cho con trai lớn là Ê-sau, Rê-bê-ca đã thực hiện những bước để đảm bảo là ân phước đó sẽ thuộc về Gia-cốp, phù hợp với điều mà cô biết đó là ý muốn của Đức Chúa Trời.—Sáng thế 27:1-17.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Rê-bê-ca? Rê-bê-ca là một người khiêm tốn, siêng năng và hiếu khách. Những phẩm chất này giúp cô thành công trong vai trò làm vợ, làm mẹ và người thờ phượng Đức Chúa Trời.

  •  Để biết thêm về Rê-bê-ca, xin xem bài “Tôi muốn đi”.

  Ru-tơ

 Ru-tơ là ai? Cô là người Mô-áp, nhưng đã từ bỏ các thần và quê hương của mình để trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va trong xứ Y-sơ-ra-ên.

 Cô đã làm gì? Ru-tơ thể hiện tình yêu thương nổi bật với mẹ chồng là Na-ô-mi. Na-ô-mi cùng chồng và hai con trai đến Mô-áp để tránh một nạn đói ở Y-sơ-ra-ên. Rồi các con của bà cưới những người nữ Mô-áp là Ru-tơ và Ọt-ba. Nhưng với thời gian, chồng và hai con trai của Na-ô-mi qua đời, để lại ba góa phụ.

 Na-ô-mi quyết định trở về Y-sơ-ra-ên, nơi mà hạn hán đã chấm dứt. Ru-tơ và Ọt-ba chọn đi theo mẹ chồng. Nhưng Na-ô-mi bảo họ trở về với người thân. Ọt-ba đã làm thế (Ru-tơ 1:1-6, 15). Tuy nhiên, Ru-tơ trung thành gắn bó với mẹ chồng. Cô yêu thương Na-ô-mi và muốn thờ phượng Đức Chúa Trời của bà là Đức Giê-hô-va.—Ru-tơ 1:16, 17; 2:11.

 Vì là con dâu tận tụy và người làm việc siêng năng nên chẳng bao lâu Ru-tơ có tiếng tốt trong thành Bết-lê-hem, quê nhà của Na-ô-mi. Một điền chủ giàu có tên là Bô-ô rất ấn tượng về Ru-tơ, ông đã rộng rãi cung cấp lương thực cho cô và Na-ô-mi (Ru-tơ 2:5-7, 20). Sau này, Ru-tơ lấy Bô-ô và trở thành tổ mẫu của cả vua Đa-vít lẫn Chúa Giê-su Ki-tô.—Ma-thi-ơ 1:5, 6, 16.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Ru-tơ? Vì yêu thương Na-ô-mi và Đức Giê-hô-va, Ru-tơ sẵn sàng rời bỏ quê hương và gia đình. Cô là người siêng năng, tận tụy và trung thành, ngay cả khi gặp nghịch cảnh.

  Sa-ra

 Sa-ra là ai? Bà là vợ của Áp-ra-ham và là mẹ của Y-sác.

 Bà đã làm gì? Sa-ra rời bỏ đời sống thoải mái ở thành phố thịnh vượng là U-rơ vì có đức tin nơi những lời mà Đức Chúa Trời hứa với chồng bà là Áp-ra-ham. Ngài bảo ông rời U-rơ và đến xứ Ca-na-an. Đức Chúa Trời hứa sẽ ban phước cho ông và làm cho ông thành một dân lớn (Sáng thế 12:1-5). Có thể Sa-ra ngoài 60 tuổi vào lúc ấy. Kể từ đó, Sa-ra cùng chồng có đời sống du mục trong lều.

 Dù đời sống du mục khiến Sa-ra gặp nguy hiểm nhưng bà vẫn ủng hộ chồng khi ông làm theo chỉ dẫn của Đức Chúa Trời (Sáng thế 12:10, 15). Trong nhiều năm, Sa-ra bị hiếm muộn và điều này gây ra nhiều nỗi đau cho bà. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã hứa sẽ ban phước cho dòng dõi của Áp-ra-ham (Sáng thế 12:7; 13:15; 15:18; 16:1, 2, 15). Với thời gian, ngài khẳng định rằng Sa-ra sẽ sinh con cho Áp-ra-ham. Bà sinh con khi đã quá tuổi sinh nở. Lúc đó, Sa-ra 90 tuổi, còn chồng bà 100 tuổi (Sáng thế 17:17; 21:2-5). Họ đặt tên con là Y-sác.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ Sa-ra? Gương của Sa-ra dạy rằng chúng ta có thể luôn tin cậy Đức Chúa Trời sẽ thực hiện các lời hứa của ngài, ngay cả khi dường như không thể! (Hê-bơ-rơ 11:11). Gương của bà với tư cách người vợ cũng cho thấy tầm quan trọng của việc vợ chồng tôn trọng lẫn nhau.​—1 Phi-e-rơ 3:5, 6.

  Vợ của Lót

 Vợ của Lót là ai? Dù Kinh Thánh không đề cập tên nhưng cho biết bà có hai con gái và gia đình bà định cư ở thành Sô-đôm.—Sáng thế 19:1, 15.

 Bà đã làm gì? Bà không tuân theo mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Ngài đã quyết định hủy diệt Sô-đôm và các thành phụ cận vì sự gian dâm kinh tởm ở đó. Vì yêu thương người công chính Lót và gia đình ông ở Sô-đôm, Đức Chúa Trời đã phái hai thiên sứ đến dẫn họ tới nơi an toàn.—Sáng thế 18:20; 19:1, 12, 13.

 Các thiên sứ bảo gia đình Lót chạy trốn khỏi đó và đừng nhìn lại phía sau, nếu không họ sẽ chết (Sáng thế 19:17). Vợ của Lót “đã nhìn lại phía sau nên biến thành một tượng muối”.—Sáng thế 19:26.

 Chúng ta rút ra bài học nào từ vợ của Lót? Câu chuyện của bà cho thấy mối nguy hiểm của việc yêu vật chất đến mức bất tuân với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đề cập đến bà làm gương cảnh báo khi nói: “Hãy nhớ vợ của Lót”.—Lu-ca 17:32.

 Dòng thời gian của những người nữ trong Kinh Thánh

  1.  Ê-va

  2. Đại Hồng Thủy (2370 TCN)

  3.  Sa-ra

  4.  Vợ của Lót

  5.  Rê-bê-ca

  6.  Lê-a

  7.  Ra-chên

  8. Hành trình ra khỏi Ai Cập (1513 TCN)

  9.  Mi-ri-am

  10.  Ra-háp

  11.  Ru-tơ

  12.  Đê-bô-ra

  13.  Gia-ên

  14.  Đa-li-la

  15.  Ha-na

  16. Vua đầu tiên của Y-sơ-ra-ên (1117 TCN)

  17.  A-bi-ga-in

  18.  Cô gái Su-lam

  19.  Giê-xa-bên

  20.  Ê-xơ-tê

  21.  Ma-ri (mẹ Chúa Giê-su)

  22. Chúa Giê-su báp-têm (29 CN)

  23.  Ma-thê

  24.  Ma-ri (chị em của Ma-thê và La-xa-rơ)

  25.  Ma-ri Ma-đơ-len

  26. Chúa Giê-su chết (33 CN)