Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CHƯƠNG BA

“Cha của tất cả những người có đức tin”

“Cha của tất cả những người có đức tin”

1, 2. Thế giới thay đổi ra sao kể từ thời Nô-ê? Áp-ram cảm thấy thế nào trước tình trạng đó?

Áp-ram ngước lên, trước mắt ông là kim tự tháp sừng sững của quê nhà U-rơ *. Từ đó vang lên tiếng ồn ào và khói tỏa ra nghi ngút. Những thầy tế đang dâng lễ vật cho thần mặt trăng như thường lệ. Hãy hình dung Áp-ram quay mặt đi, lắc đầu và lông mày nhíu lại. Khi len lỏi qua những con đường đông đúc để về nhà, hẳn ông đã suy nghĩ về tình trạng thờ thần tượng lan tràn ở thành U-rơ. Kể từ thời Nô-ê, vết nhơ của sự thờ phượng ô uế đó đã lan ra khắp thế giới!

2 Nô-ê qua đời chỉ hai năm trước khi Áp-ram sinh ra. Khi gia đình Nô-ê ra khỏi tàu sau trận Nước Lụt, tộc trưởng ấy dâng lễ vật cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời, còn ngài thì làm cầu vồng xuất hiện (Sáng 8:20; 9:12-14). Lúc bấy giờ, sự thờ phượng duy nhất trên thế giới là sự thờ phượng thanh sạch. Thế mà nay, khi thế hệ thứ mười sau thời Nô-ê đã sinh sôi khắp đất, số người thờ phượng Đức Giê-hô-va lại trở nên thật hiếm hoi. Khắp nơi người ta thờ những thần giả. Ngay cả cha của Áp-ram là Tha-rê cũng thờ những thần đó, có lẽ ông còn làm những tượng thần.—Giô-suê 24:2.

Áp-ram là gương nổi bật về đức tin như thế nào?

3. Năm tháng trôi qua, Áp-ram có phẩm chất nổi bật nào? Qua đó, chúng ta có thể học được gì?

3 Áp-ram thì không như vậy. Năm tháng trôi qua, ông càng khác biệt vì có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Thật vậy, sau này sứ đồ Phao-lô được hướng dẫn để gọi Áp-ram là “cha của tất cả những người có đức tin”! (Đọc Rô-ma 4:11). Hãy xem điều gì đã giúp Áp-ram có đức tin ngày càng vững mạnh. Qua đó, chúng ta có thể học nhiều điều về cách củng cố đức tin.

Phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời sau trận Nước Lụt

4, 5. Có lẽ Áp-ram đã học về Đức Giê-hô-va từ ai, và tại sao chúng ta có thể nói như thế?

4 Làm thế nào Áp-ram biết về Đức Chúa Trời? Vào thời ấy, Đức Giê-hô-va có những tôi tớ trung thành trên đất, trong đó có Sem. Dù không phải là con cả trong ba con trai của Nô-ê, nhưng Sem thường được nhắc đến đầu tiên, có lẽ vì ông là người có đức tin nổi bật *. Một thời gian sau trận Nước Lụt, Nô-ê gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời của Sem” (Sáng 9:26). Thật vậy, Sem đã thể hiện lòng tôn trọng Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng thanh sạch.

5 Áp-ram có biết Sem không? Có thể. Hãy hình dung Áp-ram khi còn là cậu bé. Hẳn Áp-ram thích thú biết bao khi biết ông tổ Sem còn sống. Vì sống lâu năm nên Sem đã tận mắt chứng kiến hơn bốn thế kỷ lịch sử nhân loại! Sem đã thấy sự gian ác của thế gian trước thời Nước Lụt và trận Đại Hồng Thủy đã tẩy sạch trái đất. Ông cũng thấy sự thành lập những nước đầu tiên khi con người sinh sôi trên đất, và thời kỳ đen tối khi Nim-rốt nổi loạn ở tháp Ba-bên. Người trung thành Sem đã không dính dáng gì đến cuộc nổi loạn đó. Vì thế, khi Đức Giê-hô-va làm lộn xộn tiếng nói của những người xây tháp, Sem và gia đình ông vẫn nói ngôn ngữ nguyên thủy của nhân loại, ngôn ngữ của Nô-ê. Trong gia đình đó có Áp-ram. Chắc chắn khi lớn lên, Áp-ram rất kính trọng Sem. Hơn nữa, Sem vẫn còn sống cho đến gần cuối đời Áp-ram nên có lẽ ông đã học về Đức Giê-hô-va từ Sem.

Áp-ram bác bỏ việc thờ thần tượng lan tràn ở U-rơ

6. (a) Làm thế nào Áp-ram cho thấy ông ghi nhớ bài học quý giá từ trận Nước Lụt? (b) Áp-ram và Sa-rai có đời sống ra sao?

6 Dù học từ ai đi nữa, Áp-ram ghi nhớ bài học quý giá từ trận Nước Lụt. Ông nỗ lực đồng đi cùng Đức Chúa Trời giống như Nô-ê. Đó là lý do Áp-ram bác bỏ việc thờ thần tượng và khác biệt với dân thành U-rơ, có lẽ ngay cả với gia đình mình. Tuy nhiên, ông đã tìm được người bạn đời tuyệt vời. Ông lấy Sa-rai, một phụ nữ không những xinh đẹp mà còn có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Giê-hô-va *. Dù không có con nhưng chắc chắn cặp vợ chồng này tìm được nhiều niềm vui khi cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ cũng nhận nuôi người cháu mồ côi của Áp-ram là Lót.

7. Các môn đồ của Chúa Giê-su cần noi gương Áp-ram như thế nào?

7 Áp-ram không bao giờ lìa bỏ Đức Giê-hô-va để thờ thần tượng như người ở U-rơ. Ông và Sa-rai sẵn lòng sống khác biệt với cộng đồng thờ thần tượng. Nếu muốn có đức tin thật, chúng ta cần có tinh thần tương tự. Chúng ta cũng phải sẵn lòng trở nên khác biệt. Chúa Giê-su đã nói rằng các môn đồ ngài sẽ “không thuộc về thế gian” và vì vậy, thế gian sẽ ghét họ. (Đọc Giăng 15:19). Nếu bạn từng đau lòng khi bị người thân trong gia đình hoặc cộng đồng hắt hủi vì quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Thật ra, bạn đang đồng đi cùng Đức Chúa Trời, như Áp-ram và Sa-rai đã làm thuở trước.

“Hãy rời bỏ xứ sở”

8, 9. (a) Áp-ram trải qua kinh nghiệm khó quên nào? (b) Đức Giê-hô-va truyền cho Áp-ram thông điệp nào?

8 Ngày nọ, Áp-ram trải qua một kinh nghiệm khó quên. Ông nhận được thông điệp từ Đức Giê-hô-va! Kinh Thánh không nói cụ thể là bằng cách nào, nhưng cho biết “Đức Chúa Trời vinh hiển” đã hiện ra cùng người trung thành ấy. (Đọc Công vụ 7:2, 3). Có lẽ qua một thiên sứ đại diện, Áp-ram được thoáng thấy sự vinh hiển tột bậc của Đấng Cai Trị Hoàn Vũ. Chúng ta có thể hình dung Áp-ram phấn khởi thế nào khi thấy sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời hằng sống và những tượng thần vô tri mà người cùng thời tôn thờ.

9 Đức Giê-hô-va truyền cho Áp-ram thông điệp nào? Ngài phán: “Hãy rời bỏ xứ sở cùng bà con ngươi và đến xứ ta sẽ chỉ cho”. Đức Giê-hô-va không nói đó là xứ nào, nhưng chỉ cho biết là ngài sẽ hướng dẫn Áp-ram đến đó. Thế nhưng, trước hết Áp-ram phải rời bỏ quê nhà và bà con mình. Trong văn hóa Trung Đông thời xưa, gia đình có ý nghĩa to lớn. Người ta thường nghĩ rằng khi một người rời bỏ bà con và chuyển đi xa thì người đó sẽ gặp hậu quả thảm hại, và đối với một số người, nó còn tệ hơn cái chết!

10. Tại sao có thể nói Áp-ram và Sa-rai đã hy sinh khi rời bỏ quê nhà U-rơ?

10 Áp-ram và Sa-rai đã hy sinh khi rời bỏ quê nhà. U-rơ là một thành phố nhộn nhịp và thịnh vượng. (Xem khung  “Thành phố Áp-ram và Sa-rai đã rời bỏ”). Những cuộc khai quật cho thấy thành U-rơ cổ xưa có những ngôi nhà rất tiện nghi. Một số nhà có đến cả chục phòng hoặc nhiều hơn. Những phòng ấy dành cho thành viên gia đình và đầy tớ, được bố trí quanh một sân lát gạch. Thông thường các nhà đều có những vòi nước, phòng vệ sinh và nơi xử lý chất thải. Hơn nữa, hãy nhớ là Áp-ram và Sa-rai không còn trẻ. Hẳn lúc ấy ông đã hơn 70 và Sa-rai thì hơn 60. Chắc chắn Áp-ram muốn Sa-rai có đời sống tương đối tiện nghi và đầy đủ, điều mà một người chồng tốt luôn muốn dành cho vợ mình. Hãy hình dung cuộc nói chuyện của họ về nhiệm vụ này, những thắc mắc và lo lắng trong lòng họ. Hẳn Áp-ram rất vui khi Sa-rai chấp nhận thử thách này! Như ông, bà sẵn lòng bỏ lại mọi tiện nghi ở quê nhà.

11, 12. (a) Cần quyết định và chuẩn bị những gì trước khi rời khỏi U-rơ? (b) Chúng ta có thể hình dung buổi sáng khởi hành ấy như thế nào?

11 Sau khi quyết định, Áp-ram và Sa-rai có nhiều việc phải làm. Trước mắt, họ phải thu xếp hành trang và sắp xếp mọi việc. Họ sẽ bỏ lại gì, sẽ mang theo gì cho chuyến hành trình đến một nơi mà mình chưa biết? Tuy nhiên, quan trọng hơn là người nhà của họ. Người cha già Tha-rê thì sao? Họ quyết định đưa cha theo cùng và chăm sóc ông trên đường đi. Có lẽ ông đã vui mừng hưởng ứng, vì lời tường thuật cho biết chính tộc trưởng Tha-rê đã dẫn gia đình ra khỏi U-rơ. Chắc chắn ông đã từ bỏ việc thờ thần tượng. Cháu của Áp-ram là Lót cũng đi theo đoàn người ấy.—Sáng 11:31.

12 Cuối cùng buổi sáng khởi hành cũng đã đến. Hãy hình dung đoàn người tụ tập bên ngoài tường thành và hào của U-rơ. Họ đã chất đồ lên lưng lừa và lạc đà *, tập trung bầy gia súc, sắp xếp chỗ cho gia đình và đầy tớ đâu vào đó. Tất cả đều mong chờ giây phút khởi hành. Có lẽ mọi ánh mắt đều hướng về Áp-ram, chờ ông ra hiệu xuất phát. Rồi giây phút ấy cũng đến, họ lên đường, rời xa thành U-rơ mãi mãi.

13. Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va thể hiện tinh thần giống Áp-ram và Sa-rai ra sao?

13 Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va quyết định chuyển đến nơi cần nhiều người rao giảng về Nước Trời hơn. Những người khác thì quyết định học một ngoại ngữ để nới rộng thánh chức, hoặc áp dụng các phương pháp rao giảng chưa từng thử hoặc ngại làm. Nhìn chung, những quyết định như thế đòi hỏi tinh thần hy sinh, tức sẵn lòng từ bỏ một số tiện nghi về vật chất. Tinh thần ấy thật đáng khen, thật giống với tinh thần của Áp-ram và Sa-rai! Nếu thể hiện đức tin như thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng nhiều hơn những gì chúng ta dâng cho ngài. Ngài không bao giờ quên thưởng cho những người có đức tin (Hê 6:10; 11:6). Đức Chúa Trời có ban thưởng cho Áp-ram không?

Băng qua sông Ơ-phơ-rát

14, 15. Bạn hình dung chuyến hành trình từ U-rơ đến Cha-ran như thế nào? Áp-ram quyết định lưu trú tại Cha-ran một thời gian có lẽ vì lý do gì?

14 Đoàn người dần quen với những việc thường nhật trong chuyến hành trình. Hãy hình dung Áp-ram và Sa-rai hết cưỡi con vật rồi lại đi bộ, tiếng họ trò chuyện hòa lẫn tiếng leng keng của những chiếc chuông treo trên những bộ dây cương. Qua thời gian, ngay cả những người ít kinh nghiệm đi xa cũng quen thuộc với việc dựng và nhổ trại, cũng như giúp cụ Tha-rê ngồi thoải mái trên lưng lạc đà hoặc lừa. Họ đi về hướng tây bắc, dọc theo sông Ơ-phơ-rát uốn lượn. Ngày lại ngày, tuần lại tuần, cảnh vật cứ thế lùi dần sau lưng họ.

15 Cuối cùng, sau khi đi được khoảng 960km, họ đến những căn nhà hình tổ ong ở Cha-ran, một thành phồn thịnh tọa lạc ở điểm giao nhau giữa những tuyến đường thương mại Đông-Tây. Họ tạm dừng và lưu trú một thời gian ở đó. Có lẽ cụ Tha-rê quá yếu để tiếp tục chuyến hành trình.

16, 17. (a) Giao ước nào làm Áp-ram phấn khởi? (b) Khi Áp-ram ở Cha-ran, Đức Giê-hô-va ban phước cho ông ra sao?

16 Sau đó, Tha-rê qua đời lúc 205 tuổi (Sáng 11:32). Áp-ram được an ủi rất nhiều trong hoàn cảnh mất mát đó, vì Đức Giê-hô-va phán với ông một lần nữa. Ngài lặp lại chỉ thị đã ban cho ông ở U-rơ, đồng thời hứa thêm rằng ông sẽ trở thành “một dân lớn” và nhờ ông mà mọi dân tộc trên đất sẽ được phước. (Đọc Sáng-thế Ký 12:2, 3). Vì phấn khởi trước giao ước với Đức Chúa Trời, Áp-ram biết đã đến lúc đi tiếp.

17 Dù vậy, lần này có nhiều hành trang hơn phải thu xếp, vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Áp-ram suốt thời gian ông lưu trú tại Cha-ran. Lời tường thuật có nói đến ‘cả gia-tài họ đã thâu-góp, và các đầy-tớ họ đã có được tại Cha-ran’ (Sáng 12:5). Để trở thành một dân tộc, Áp-ram phải có một gia đình đông đảo với nhiều tài sản và tôi tớ. Không phải lúc nào Đức Giê-hô-va cũng làm cho tôi tớ ngài giàu có, nhưng ngài ban bất cứ thứ gì họ cần để thực thi ý muốn ngài. Vì vậy, khi đã vững lòng, Áp-ram dẫn cả đoàn người đến xứ họ chưa biết.

Rời bỏ đời sống tiện nghi ở U-rơ là thử thách đối với Áp-ram và Sa-rai

18. (a) Khi nào Áp-ram đã ghi dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân ngài? (b) Những biến cố quan trọng nào khác cũng diễn ra vào ngày 14 tháng Ni-san của những năm về sau? (Xem khung “ Một thời điểm quan trọng trong lịch sử Kinh Thánh”).

18 Sau nhiều ngày đi từ Cha-ran, họ đến Cạt-kê-mít, nơi những đoàn lữ hành thường băng qua sông Ơ-phơ-rát. Có lẽ tại địa điểm này, Áp-ram đã ghi dấu mốc lịch sử trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và dân ngài. Vào năm 1943 TCN, ngày 14 của tháng sau này được gọi là tháng Ni-san, Áp-ram đã dẫn cả nhà băng qua sông (Xuất 12:40-43). Trải dài về phía nam là vùng đất Đức Giê-hô-va hứa sẽ chỉ cho Áp-ram. Vào ngày ấy, giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ram có hiệu lực.

19. Lời hứa của Đức Giê-hô-va với Áp-ram đề cập đến điều gì? Có lẽ lời ấy nhắc Áp-ram nhớ đến điều gì?

19 Áp-ram đi xuống phía nam băng qua xứ đó, và đoàn người dừng chân gần những cây lớn ở Mô-rê, gần Si-chem. Tại đó, Đức Giê-hô-va phán với Áp-ram một lần nữa. Lần này, lời hứa của ngài đề cập đến dòng dõi Áp-ram, tức những người sẽ được hưởng xứ đó. Áp-ram có nhớ lại lời tiên tri Đức Giê-hô-va đã phán trong vườn Ê-đen về một “dòng-dõi” sẽ giải cứu nhân loại không? (Sáng 3:15; 12:7). Có lẽ. Có thể ông đã bắt đầu lờ mờ nhận ra mình được dự phần trong ý định vĩ đại của Đức Giê-hô-va.

20. Áp-ram tỏ lòng quý trọng đặc ân Đức Giê-hô-va ban bằng cách nào?

20 Áp-ram vô cùng quý trọng đặc ân Đức Giê-hô-va ban. Trong khi thận trọng đi qua xứ (vì xứ vẫn thuộc về dân Ca-na-an), Áp-ram đã dừng chân và dựng bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, đầu tiên là gần những cây to ở Mô-rê, rồi sau đó ở gần Bê-tên. Ông cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va và hẳn là đã thổ lộ lòng biết ơn chân thành với ngài khi ngẫm nghĩ về tương lai của con cháu mình. Có lẽ ông cũng giảng cho dân Ca-na-an xung quanh. (Đọc Sáng-thế Ký 12:7, 8). Dĩ nhiên vẫn còn nhiều thử thách cam go về đức tin đang chờ Áp-ram phía trước. Điều khôn ngoan là Áp-ram không nhìn lại quê nhà và đời sống tiện nghi đã bỏ lại ở U-rơ. Ông nhìn tới phía trước. Hê-bơ-rơ 11:10 nói rằng Áp-ram “chờ đợi một thành có nền móng thật, mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng”.

21. So với Áp-ram, chúng ta hiểu rõ hơn về Nước Trời như thế nào? Bạn được thúc đẩy làm gì?

21 Là những người phụng sự Đức Giê-hô-va, ngày nay chúng ta biết rõ về thành mang nghĩa bóng ấy hơn cả Áp-ram. Chúng ta biết thành ấy chính là Nước Trời, đang cai trị từ trời và sẽ sớm kết liễu thế gian này. Hơn nữa, chúng ta còn biết dòng dõi được hứa từ lâu của Áp-ram là Chúa Giê-su Ki-tô nay đang cai trị nước ấy. Thật là đặc ân khi được chứng kiến lúc Áp-ram sống lại! Khi ấy Áp-ram sẽ biết rõ ý định của Đức Chúa Trời mà trước đây ông chỉ hiểu lờ mờ. Bạn có muốn thấy Đức Giê-hô-va thực hiện mọi lời hứa của ngài không? Vậy hãy nỗ lực để tiếp tục noi gương Áp-ram. Hãy thể hiện tinh thần hy sinh, vâng lời và biết ơn sâu xa về những đặc ân Đức Giê-hô-va ban. Khi bạn noi theo đức tin của Áp-ram, “cha của tất cả những người có đức tin”, thì theo nghĩa nào đó, ông cũng trở thành cha của bạn!

^ đ. 1 Nhiều năm sau, Đức Chúa Trời đổi tên Áp-ram thành Áp-ra-ham, nghĩa là “cha của vô số người”.—Sáng 17:5.

^ đ. 4 Tương tự, dù không phải là con cả nhưng Áp-ram thường được nhắc đến đầu tiên trong những con trai của Tha-rê.

^ đ. 6 Sau này, Đức Chúa Trời đổi tên Sa-rai thành Sa-ra, nghĩa là “công chúa”.—Sáng 17:15.

^ đ. 12 Một số học giả nghi ngờ việc lạc đà được nuôi làm gia súc vào thời Áp-ram. Nhưng họ không có cơ sở vững chắc để nghi ngờ như thế. Kinh Thánh nhiều lần đề cập đến lạc đà khi nói về tài sản của Áp-ram.—Sáng 12:16; 24:35.