Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai có thể giải nghĩa lời tiên tri?

Ai có thể giải nghĩa lời tiên tri?

Ai có thể giải nghĩa lời tiên tri?

Nút thắt Gordius được cho là bí ẩn lớn nhất vào thời A-léc-xan-đơ Đại Đế. Ai có thể tháo được nút thắt phức tạp này là người thông thái và là nhà chinh phục vĩ đại *. Theo truyền thuyết, A-léc-xan-đơ đã giải được bí ẩn đó bằng một nhát gươm.

Qua các thời đại, các nhà thông thái không chỉ tìm cách tháo nút thắt khó gỡ mà còn cố giải các câu đố, giải nghĩa lời tiên tri, và thậm chí tiên đoán tương lai.

Tuy nhiên, thường thì những việc đó vượt quá khả năng của họ. Chẳng hạn, các nhà thông thái của vua nước Ba-by-lôn là Bên-xát-sa đã không giải nghĩa được chữ viết một cách kỳ lạ trên tường cung điện trong một yến tiệc linh đình. Chỉ có Đa-ni-ên, nhà tiên tri cao niên của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và nổi tiếng là “gỡ được những điều khúc mắc”, mới giải nghĩa được thông điệp mang tính tiên tri ấy (Đa-ni-ên 5:12, Nguyễn Thế Thuấn). Đó là lời tiên tri về sự sụp đổ của đế quốc Ba-by-lôn, đã được ứng nghiệm ngay đêm ấy!—Đa-ni-ên 5:1, 4-8, 25-30.

Lời tiên tri là gì?

Lời tiên tri được định nghĩa là sự tiết lộ về tương lai, tức những sự kiện được ghi chép từ trước khi chúng xảy ra. Lời tiên tri thật là thông điệp đến từ Đức Chúa Trời qua lời nói hoặc chữ viết, một sự mạc khải về ý định và ý muốn của ngài. Trong Kinh Thánh có những lời tiên tri về sự xuất hiện và dấu hiệu nhận diện Đấng Mê-si, “kỳ cuối cùng của thời đại này” cũng như sự phán xét của Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:3; Đa-ni-ên 9:25.

Những nhà thông thái thời nay như các chuyên gia về khoa học, kinh tế, sức khỏe, chính trị, môi trường và nhiều lĩnh vực khác đều cố gắng tiên đoán tương lai. Dù những lời tiên đoán đó được quảng bá rộng rãi trên phương tiện truyền thông và rất được công chúng ưa chuộng, nhưng suy cho cùng chúng chỉ là những dự đoán theo sự hiểu biết và quan điểm cá nhân. Bên cạnh đó, mọi quan điểm đưa ra đều có những quan điểm ngược lại và luận cứ phản bác. Vì vậy, dự đoán tương lai quả là một việc làm liều lĩnh.

Nguồn gốc lời tiên tri thật

Thế thì những lời tiên tri thật bắt nguồn từ đâu? Ai có thể giải nghĩa chúng? Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Chẳng có lời tiên-tri nào trong Kinh-thánh lấy ý riêng giải nghĩa được” (2 Phi-e-rơ 1:20, Bản Truyền thống của Liên hiệp Thánh Kinh hội). Danh từ Hy Lạp được dịch là “giải nghĩa” có nghĩa “giải pháp, sự tiết lộ”, và bao hàm ý “điều trước kia bị buộc nay được giải thoát hay tháo gỡ”. Vì vậy, một bản Kinh Thánh (The Amplified New Testament) dịch lời của Phi-e-rơ như sau: “Chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh bởi ý cá nhân... tháo gỡ”.

Hãy hình dung một thủy thủ khéo léo thắt một nút phức tạp bằng sợi thừng. Khi nút ấy được thắt xong, người không trong nghề có thể thấy các đường dây của nút thắt đó nhưng không biết chắc cách tháo ra. Tương tự thế, người ta có thể thấy những xu hướng dẫn tới một tương lai rối rắm, nhưng họ không biết cụ thể những diễn biến nào sẽ tạo thành viễn cảnh ấy.

Các nhà tiên tri thời xưa của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như Đa-ni-ên, đã không tự ý phân tích những xu hướng lúc bấy giờ, rồi tìm cách tiên đoán một viễn cảnh phức tạp. Nếu cố ép tương lai diễn ra theo sự tiên đoán của họ thì lời tiên tri như thế bắt nguồn từ trí tưởng tượng riêng. Đó là lời tiên đoán của con người, là điều dự báo dựa trên cơ sở không chắc chắn. Còn về lời tiên tri thật, Phi-e-rơ giải thích tiếp: “Không hề có lời tiên tri nào ra bởi ý muốn của loài người, nhưng người ta nói những gì đến từ Đức Chúa Trời khi được thần khí hướng dẫn”.—2 Phi-e-rơ 1:21.

‘Minh giải các điềm thuộc quyền Đức Chúa Trời’

Cách nay khoảng 3.700 năm, có hai người đàn ông bị giam giữ trong một nhà tù ở Ai Cập. Mỗi người thấy một giấc mơ kỳ lạ. Không hỏi được nhà thông thái nào trong xứ, họ than thở với một bạn tù là Giô-sép: “Chúng tôi nằm mơ thấy mộng mà chẳng có người giải mộng cho”. Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, Giô-sép bảo họ kể lại giấc mơ của mình và nói: “Minh giải các điềm há không phải là thuộc quyền Thiên Chúa sao?” (Sáng-thế Ký 40:8, NTT). Giê-hô-va Đức Chúa Trời là đấng duy nhất có khả năng giải nghĩa các lời tiên tri, giống như người thủy thủ kinh nghiệm tháo được nút thắt phức tạp. Suy cho cùng, chính Đức Chúa Trời là đấng thắt nút hay phán các lời tiên tri. Vậy, điều hợp lý là chúng ta trông chờ ngài tháo nút hay giải nghĩa chúng. Thật thế, Giô-sép đã đúng khi công nhận quyền đó thuộc về Đức Chúa Trời.

‘Minh giải các điềm thuộc quyền Đức Chúa Trời’ có nghĩa gì? Câu này có thể hiểu theo những nghĩa sau đây. Một số lời tiên tri trong Kinh Thánh được Đức Chúa Trời cho ghi lại cùng với cách ứng nghiệm. Vậy thì những lời tiên tri ấy tương đối dễ giải thích, giống như một số nút thắt được người thủy thủ hướng dẫn cách tháo ra.—Sáng-thế Ký 18:14; 21:2.

Một số lời tiên tri khác có thể được giải nghĩa bằng cách phân tích văn cảnh. Nhà tiên tri Đa-ni-ên được thấy một khải tượng mang tính tiên tri. Ông thấy ‘một con chiên đực có hai cái sừng’ đang bị hạ gục bởi một “con dê xờm đực” có “cái sừng mọc rõ ra giữa hai con mắt nó”. Văn cảnh cho thấy con chiên đực có hai sừng tượng trưng cho “các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ”, con dê tượng trưng cho “vua nước Gờ-réc”, tức vua Hy Lạp (Đa-ni-ên 8:3-8, 20-22). Hơn 200 năm sau, “cái sừng lớn” tượng trưng cho A-léc-xan-đơ Đại Đế đã bắt đầu cuộc chinh phục Phe-rơ-sơ. Theo lời sử gia Do Thái là Josephus, trong lúc đạo quân của A-léc-xan-đơ đang thực hiện chiến dịch gần Giê-ru-sa-lem, vua được cho xem chính lời tiên tri này và tin rằng nó ám chỉ về mình.

Câu ‘minh giải các điềm thuộc quyền Đức Chúa Trời’ còn có một nghĩa khác. Người tôi tớ trung thành Giô-sép hiểu được ý nghĩa của những giấc mơ kỳ lạ mà các bạn tù kể cho ông nghe là nhờ thần khí của Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 41:38). Ngày nay, khi các tôi tớ của Đức Chúa Trời không biết chắc ý nghĩa của một lời tiên tri nào đó, họ cầu xin ngài ban thần khí, rồi siêng năng tìm tòi và nghiên cứu Kinh Thánh, là lời được thần khí soi dẫn. Nhờ Đức Chúa Trời hướng dẫn, họ có thể tìm ra những câu Kinh Thánh giúp họ giải nghĩa một số lời tiên tri. Không người nào có khả năng phi thường để giải nghĩa các lời tiên tri. Lời minh giải đến từ Đức Chúa Trời, vì ý nghĩa của các lời tiên tri được làm sáng tỏ qua thần khí và Lời ngài. Lời minh giải không đến từ nguồn nào ngoài Kinh Thánh, từ sự tiên đoán của con người.—Công vụ 15:12-21.

Câu ‘minh giải các điềm thuộc quyền Đức Chúa Trời’ cũng có nghĩa là ngài quyết định khi nào cho các tôi tớ trung thành hiểu được lời tiên tri. Có thể nhận ra ý nghĩa của một lời tiên tri trước khi, trong khi hoặc sau khi nó được ứng nghiệm. Vì Đức Chúa Trời đã thắt nút, nên ngài sẽ tháo gỡ vào đúng lúc, tức thời điểm ngài ấn định.

Chẳng hạn như trong lời tường thuật về Giô-sép và hai bạn tù, Giô-sép đã giải nghĩa giấc mơ của hai người ấy ba ngày trước khi chúng được ứng nghiệm (Sáng-thế Ký 40:13, 19). Sau đó, khi Giô-sép được dẫn đến trước mặt Pha-ra-ôn đầy uy quyền để giải thích giấc mơ của Pha-ra-ôn thì bảy năm được mùa theo lời tiên tri đã sắp bắt đầu. Thần khí Đức Chúa Trời đã giúp Giô-sép giải nghĩa giấc mơ đúng lúc, nhờ thế Pha-ra-ôn có thể sắp đặt để dự trữ phần hoa lợi của những năm được mùa.—Sáng-thế Ký 41:29, 39, 40.

Một số lời tiên tri chỉ được hiểu tường tận sau khi chúng ứng nghiệm. Nhiều sự kiện trong cuộc đời Chúa Giê-su đã được tiên tri hàng thế kỷ trước khi ngài sinh ra, và các môn đồ ngài chỉ hiểu tường tận những điều đó sau khi ngài sống lại (Thi-thiên 22:18; 34:20; Giăng 19:24, 36). Ngoài ra, theo Đa-ni-ên 12:4, một số lời tiên tri được giữ kín hay “đóng ấn... cho đến kỳ cuối-cùng”, là khi “sự học-thức sẽ được thêm lên”. Chúng ta đang sống trong chính giai đoạn những lời tiên tri ấy đang ứng nghiệm *.

Các lời tiên tri trong Kinh Thánh và bạn

Giô-sép và Đa-ni-ên từng đứng trước mặt các vua và tuyên bố lời tiên tri ảnh hưởng đến nhiều nước và vương quốc. Các môn đồ Chúa Giê-su thời thế kỷ thứ nhất cũng đóng vai trò ngôn sứ của Đức Giê-hô-va là đấng phán lời tiên tri; và những người hưởng ứng thông điệp của họ nhận được lợi ích rất nhiều.

Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới đang rao báo lời tiên tri về tin mừng Nước Đức Chúa Trời, và cho mọi người biết rằng lời tiên tri của Chúa Giê-su về “kỳ cuối cùng của thời đại này” đang ứng nghiệm (Ma-thi-ơ 24:3, 14). Bạn có biết lời tiên tri đó là gì và nó ảnh hưởng thế nào đến bạn không? Nhân Chứng Giê-hô-va vui lòng giúp bạn hiểu và nhận lợi ích từ một trong những lời tiên tri quan trọng nhất của Kinh Thánh.

[Chú thích]

^ đ. 2 Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng ở thủ đô Gordium của xứ Phy-gi-a, cỗ xe ngựa của người sáng lập thành phố này là ông Gordius được buộc vào cây cột với một nút thắt phức tạp, và người nào tháo ra được sẽ là nhà chinh phục châu Á tương lai.

^ đ. 19 Xin xem loạt bài mở đầu “Sáu lời tiên tri đang ứng nghiệm”, trong Tháp Canh ngày 1-5-2011.

[Các hình nơi trang 12, 13]

Cả Giô-sép và Đa-ni-ên đều công nhận rằng Đức Chúa Trời là đấng giải thích các lời tiên tri