Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Đối xử với cha mẹ đôi bên

Đối xử với cha mẹ đôi bên

Jenny * nói: Mẹ anh Ryan không ngại chê trách tôi mỗi khi có dịp. Nhưng anh Ryan cũng lâm vào tình trạng tương tự khi gặp cha mẹ tôi. Thật ra, tôi chưa bao giờ thấy cha mẹ mình bất lịch sự như thế với ai! Đi thăm cha mẹ đôi bên trở thành điều gây áp lực cho vợ chồng tôi.

Ryan nói: Mẹ tôi cho rằng không ai xứng đáng với con bà, vì vậy ngay từ đầu bà đã không hài lòng về Jenny. Cha mẹ Jenny cũng cảm thấy như thế với tôi. Họ thường chê trách tôi. Vấn đề là sau những lần như thế, tôi và Jenny thường bênh vực cha mẹ mình và chỉ trích lẫn nhau.

Mâu thuẫn với cha mẹ đôi bên có thể là đề tài gây cười của những diễn viên hài, nhưng trên thực tế đó không phải là chuyện đùa. Chị Reena, một người vợ ở Ấn Độ, cho biết: “Mẹ chồng tôi can thiệp vào đời sống hôn nhân chúng tôi suốt nhiều năm. Tôi thường trút giận lên chồng vì không thể làm thế với mẹ anh. Hình như anh thường phải chọn giữa việc là người chồng tốt hay người con hiếu thảo”.

Tại sao một số cha mẹ lại can thiệp vào đời sống của các con đã kết hôn? Chị Jenny, đề cập ở trên, nêu lên một lý do: “Có lẽ thật khó cho họ khi thấy một người trẻ và thiếu kinh nghiệm trở thành người chăm sóc cho con trai hoặc con gái mình”. Anh Dilip, chồng của chị Reena, cho biết thêm một lý do: “Cha mẹ đã hy sinh và nuôi nấng con cái, họ có thể cảm thấy mình bị gạt sang một bên. Có lẽ họ cũng thật tình lo lắng không biết con mình có đủ khôn ngoan để tạo dựng một gia đình hạnh phúc hay không”.

Thật ra, đôi khi cha mẹ được mời can thiệp. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Michael và chị Leanne ở Úc. Anh Michael nói: “Leanne trưởng thành trong một gia đình khăng khít với nhau và mọi người cởi mở bàn bạc về các vấn đề. Vì vậy, sau khi chúng tôi kết hôn, Leanne thường hỏi ý kiến cha về những vấn đề mà lẽ ra chỉ hai vợ chồng tôi quyết định. Dù cha cô ấy là người có nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi cảm thấy bị xem thường vì cô ấy hỏi ý kiến ông chứ không bàn với tôi!”.

Rõ ràng, những vấn đề với cha mẹ đôi bên có thể gây căng thẳng trong hôn nhân. Đó có phải là trường hợp của bạn không? Bạn có mối quan hệ thế nào với cha mẹ vợ/chồng? Còn vợ/chồng bạn có mối quan hệ thế nào với cha mẹ bạn? Hãy xem xét hai thử thách thường nảy sinh và làm sao bạn có thể giải quyết.

THỬ THÁCH 1:

Người hôn phối của bạn dường như quá khăng khít với cha mẹ ruột. Anh Luis ở Tây Ban Nha cho biết: “Vợ tôi cảm thấy nếu không sống gần cha mẹ, cô ấy không còn là người con hiếu thảo”. Anh nói thêm: “Mặt khác, khi con trai chúng tôi ra đời, cha mẹ tôi đến thăm hầu như mỗi ngày, làm cho vợ tôi căng thẳng. Điều này gây ra một số mâu thuẫn giữa vợ chồng tôi”.

Vấn đề:

Nói về sắp đặt hôn nhân, Kinh Thánh cho biết đến thời điểm nào đó “người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính-díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (Sáng-thế Ký 2:24). Trở nên “một thịt” bao hàm nhiều hơn là chỉ sống chung. Thật thế, điều đó có nghĩa hai vợ chồng hình thành một gia đình mới—gia đình này ưu tiên hơn gia đình họ xuất thân (1 Cô-rinh-tô 11:3). Dĩ nhiên, cả hai vợ chồng vẫn phải tôn kính cha mẹ, bao gồm việc quan tâm đến cha mẹ (Ê-phê-sô 6:2). Nói sao nếu cách người hôn phối chu toàn nhiệm vụ ấy khiến bạn cảm thấy bị bỏ bê?

Cách giải quyết:

Hãy nhìn sự việc một cách khách quan. Có phải người hôn phối thật sự quá khăng khít với cha mẹ, hay vấn đề là bạn đã không có mối quan hệ như thế với cha mẹ mình? Nếu vậy, hoàn cảnh xuất thân có thể ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của bạn? Có phải tính ghen tị đã tác động đến cách nhìn của bạn không?—Châm-ngôn 14:30; 1 Cô-rinh-tô 13:4; Ga-la-ti 5:26.

Để trả lời những câu hỏi ấy, bạn cần thành thật xem xét lại mình. Điều đó rất quan trọng. Suy cho cùng, nếu vấn đề với cha mẹ đôi bên thường xuyên là nguyên nhân gây xích mích giữa hai vợ chồng, thì hôn nhân bạn thật sự đang có vấn đề—chứ không phải là vấn đề với cha mẹ đôi bên.

Nhiều cuộc hôn nhân lục đục vì hai vợ chồng không có cùng quan điểm về một vấn đề nào đó. Bạn có thể thử nhìn sự việc theo quan điểm của người hôn phối không? (Phi-líp 2:4; 4:5). Anh Adrián ở Mexico đã làm thế. Anh nói: “Vợ tôi lớn lên trong một gia đình không tốt đẹp. Thế nên, tôi đã tránh giao tiếp mật thiết với cha mẹ vợ. Cuối cùng tôi đoạn giao với họ trong nhiều năm. Việc này khiến vợ chồng tôi lục đục, vì vợ tôi vẫn muốn gần gũi với gia đình, nhất là với mẹ cô ấy”.

Theo thời gian, anh Adrián lấy lại quan điểm cân bằng. Anh nói: “Dù biết rằng liên lạc quá nhiều với cha mẹ vợ sẽ ảnh hưởng xấu đến cảm xúc của vợ tôi, nhưng nếu không liên lạc gì cả thì cũng có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Tôi cố gắng nối lại và duy trì mối quan hệ tốt với gia đình vợ trong khả năng cho phép” *.

HÃY THỬ XEM: Vợ chồng bạn ghi ra điều hai người nghĩ là vấn đề chính liên quan đến cha mẹ đôi bên. Nếu có thể, hãy bắt đầu với câu: “Anh/Em cảm thấy rằng...”. Rồi trao đổi cho nhau. Với tinh thần hợp tác, hãy cùng nhau suy nghĩ và tìm cách giải quyết vấn đề mà mỗi người quan tâm.

THỬ THÁCH 2:

Cha mẹ đôi bên thường can thiệp vào hôn nhân của bạn, đưa ra những đề nghị không được yêu cầu. Chị Nelya ở Kazakhstan cho biết: “Sau khi kết hôn, suốt bảy năm đầu vợ chồng tôi sống với gia đình chồng. Chúng tôi luôn bất đồng về cách nuôi dạy con cái, cũng như cách tôi nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa. Tôi nói với chồng và mẹ chồng về vấn đề này, nhưng chỉ tạo thêm mâu thuẫn mà thôi!”.

Vấn đề:

Khi kết hôn, bạn không còn dưới quyền của cha mẹ. Thay vì vậy, Kinh Thánh nói: “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn-ông [người chồng] là đầu người đàn-bà” (1 Cô-rinh-tô 11:3). Dù vậy, như đã đề cập ở trên, cả hai vợ chồng nên tôn kính cha mẹ. Thật thế, Châm-ngôn 23:22 cho biết: “Hãy nghe lời cha đã sanh ra con, chớ khinh-bỉ mẹ con khi người trở nên già-yếu”. Nhưng nếu cha mẹ bạn—hoặc cha mẹ của người hôn phối—vượt quá giới hạn và cố áp đặt quan điểm của họ thì sao?

Cách giải quyết:

Với sự đồng cảm, hãy cố tìm hiểu động lực nằm sau điều mà bạn cho rằng cha mẹ áp đặt. Anh Ryan, được đề cập ở đầu bài, cho biết: “Trong một số trường hợp, cha mẹ cần biết là họ vẫn còn quan trọng đối với con cái”. Những can thiệp ấy có lẽ không cố ý và có thể giải quyết bằng cách áp dụng lời khuyên sau trong Kinh Thánh: “Nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau” (Cô-lô-se 3:13). Nhưng nếu sự can thiệp của cha mẹ trở nên nghiêm trọng đến mức gây xung đột giữa hai vợ chồng thì sao?

Một số cặp vợ chồng đã đưa ra những giới hạn thích hợp với cha mẹ. Điều đó không có nghĩa là bạn phải nói thẳng thừng với họ *. Thường chỉ cần qua hành động, bạn cho cha mẹ biết đối với bạn, người hôn phối là quan trọng nhất. Chẳng hạn, anh Masayuki ở Nhật Bản, một người đã kết hôn, nói: “Ngay cả khi cha mẹ bày tỏ quan điểm, đừng đồng ý ngay. Hãy nhớ rằng bạn đang xây dựng một gia đình mới. Vì vậy, trước tiên hãy hỏi ý kiến của người hôn phối về lời khuyên ấy”.

HÃY THỬ XEM: Hãy bàn luận với người hôn phối về những việc cụ thể mà cha mẹ đã can thiệp và gây mâu thuẫn trong hôn nhân. Hãy cùng nhau ghi ra những giới hạn và cách thực hiện, đồng thời vẫn tỏ lòng tôn kính cha mẹ.

Bạn có thể giảm bớt mâu thuẫn với cha mẹ đôi bên bằng cách tìm hiểu động cơ của họ và không để những điều này gây xích mích giữa vợ chồng bạn. Về vấn đề này, chị Jenny thừa nhận: “Thỉnh thoảng chúng tôi tranh cãi khi bàn luận về cha mẹ đôi bên. Rõ ràng khi nói về sự bất toàn của cha mẹ, điều đó rất dễ gây đau lòng. Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi học cách không dùng sự bất toàn của cha mẹ như vũ khí để làm tổn thương nhau, mà tập trung giải quyết vấn đề. Kết quả là vợ chồng tôi ngày càng gần gũi nhau hơn”.

^ đ. 3 Các tên đã được đổi.

^ đ. 14 Phải thừa nhận rằng nếu cha mẹ có hành vi trái đạo đức—đặc biệt là cứ tiếp tục mà không ăn năn—mối quan hệ trong gia đình có thể trở nên căng thẳng trầm trọng và dĩ nhiên cần đặt ra những giới hạn.—1 Cô-rinh-tô 5:11.

^ đ. 19 Trong một số trường hợp, bạn có thể cần nói chuyện với cha mẹ đôi bên một cách nghiêm túc và cởi mở. Nếu phải làm thế, hãy có tinh thần tôn kính và mềm mại.—Châm-ngôn 15:1; Ê-phê-sô 4:2; Cô-lô-se 3:12.

HÃY TỰ HỎI:

  • Cha mẹ vợ/chồng có những tính tốt nào?

  • Làm thế nào tôi có thể tôn kính cha mẹ mình mà vẫn không bỏ bê người hôn phối?